(HNM) - Nhiều năm qua, nền giáo dục Anh vốn được đánh giá là đẳng cấp và luôn rất khắt khe trong quá trình tuyển chọn vì thường có rất nhiều người đăng ký xin học.
Cách đây ít ngày, số liệu do dịch vụ tuyển sinh Đại học Ucas công bố cho thấy, số lượng sinh viên ghi danh tại các đại học nổi tiếng của nước Anh như: London Metropolitan, Cumbria, Kingston và Wolverhampton đã giảm mạnh. Cụ thể, sinh viên nhập học Đại học London Metropolitan giảm 53% so với năm 2012; Đại học East London và Southampton Solent giảm 27%; Đại học Cumbria giảm 36%; Đại học Kingston giảm 30%, còn các trường Huddersfield và Sunderland giảm 15%. Trái ngược với việc số sinh viên Anh đăng ký học giảm, số sinh viên quốc tế đến Anh có tăng đôi chút trong 2 năm trở lại đây, lần đầu tiên vượt mốc 100.000 người trong tháng 1-2018.
Trong đó, 58.450 sinh viên từ các nước ngoài Liên minh châu Âu (EU), tăng 11,1% và 43.510 người từ các nước EU (tăng 3,4%), đưa tỷ lệ sinh viên nước ngoài theo học tại Anh chiếm 18% trong tổng số sinh viên tại nước này. Thế nhưng, sinh viên nước ngoài sang Anh du học không thể bù đắp số lượng thiếu hụt đang xảy ra ở nhiều trường đại học Anh.
Để đối phó với nguy cơ sụt giảm sinh viên, mùa tuyển sinh năm nay, nhiều trường đại học đã hạ điểm chuẩn đầu vào để bảo đảm nguồn thu tài chính cho trường. Giám đốc Viện Nghiên cứu độc lập về chính sách giáo dục bậc đại học của Anh, ông Nick Hillman cho biết, việc một số trường đối mặt với nguy cơ phá sản, phải bán bớt bất động sản hay dừng một số khóa học có quá ít sinh viên đăng ký là kịch bản có thể xảy ra.
Tuy nhiên, việc hạ thấp điểm chuẩn vào trường sẽ chỉ giúp các trường khó khăn nguồn thu tài chính cầm cự thêm thời gian, chứ không giải quyết được bản chất vấn đề.
Bà Sarah Stevens, người đứng đầu bộ phận chính sách tại Russell, tập đoàn gồm các trường đại học hàng đầu của Anh cho biết nhóm các trường đại học hàng đầu chưa phải hạ tiêu chuẩn xét tuyển sinh viên và thực tế là sinh viên vào các trường này hiện nay có chất lượng tốt hơn những sinh viên của nhóm cách đây 10 năm. Tuy nhiên, bà S.Steven thừa nhận, các trường đại học Anh đang phải đối mặt với những bất ổn và nguy cơ phải đóng cửa khá cao.
Vì tình trạng này trước đây chưa bao giờ xảy ra, nên điều mà lãnh đạo các trường đại học lo ngại hiện nay là các cơ quan chính phủ không có bộ phận nào có thể đưa ra những phân tích, cảnh báo để hạn chế những rủi ro.
Giáo sư Colin Riordan, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cardiff cho rằng, để tránh những rủi ro đáng tiếc, các cơ quan chức năng cần đưa ra những nghiên cứu, tầm nhìn để các trường đại học hướng đến và những kế hoạch chuyển tiếp dành cho sinh viên trong trường hợp một trường đại học phải đóng cửa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.