(HNM) - Cuộc sống của trẻ em Việt Nam đã có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, trong lúc số đông đang ngày càng được tạo điều kiện phát triển đầy đủ thì ở nhiều nơi vẫn còn cảnh trẻ bị ngược đãi, bị xâm hại tình dục, phải tự đối chọi với khó khăn.
Theo kết quả nghiên cứu đối với 566 người tại Hà Nội, Lào Cai, An Giang, Khánh Hòa và TP Hồ Chí Minh của Bộ LĐ,TB&XH và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam, 76% nạn nhân của nạn mại dâm và buôn bán người cho biết, các em từng phải "tiếp" khách nước ngoài. Trong số 14 trẻ em từng bị bán sang Trung Quốc và Campuchia, hầu hết đã "tiếp" người bản địa và cả khách đến từ các quốc gia khác.
Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn rất dễ bị ngược đãi, xâm hại tình dục. |
Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn rất dễ bị tổn thương trước trào lưu du lịch tình dục. Số này gồm trẻ em đường phố, trẻ mồ côi và trẻ di cư. Một nam thanh niên 19 tuổi, ở TP Hồ Chí Minh, nhận xét: "Trẻ đánh giày và bán xổ số thường hay gặp người nước ngoài đến và mời đi ăn uống. Sau khi say, các em có nguy cơ bị đưa về khách sạn".
Đáng lưu ý là tội phạm tình dục trẻ em rất đa dạng. Đã có công dân Đức, Australia, Mỹ, Anh bị kết tội lạm dụng tình dục trẻ em Việt Nam từ năm 2005. Năm 2011, báo cáo quốc gia về phòng, chống buôn bán người mở rộng danh sách này, có thêm những vi phạm liên quan đến công dân Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan - Trung Quốc và các quốc gia Châu Âu. Người phạm tội làm nhiều nghề khác nhau, như giáo viên tiếng Anh tại các trường học ở địa phương hoặc tình nguyện viên - những người có cơ hội tiếp cận các khu nhà mở dành cho trẻ em đường phố. Tội phạm thường tiếp cận trẻ em thông qua trung gian như xe ôm, chủ quán karaoke, lái xe taxi, hoặc tự kết bạn với trẻ bán dạo tại các điểm du lịch như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Huế, Sa Pa. Tại các điểm du lịch lớn thường diễn ra hành vi lạm dụng tình dục.
Một lái xe ôm ở Sa Pa cho biết: "Tình hình ở Sa Pa rất khó khăn. Trẻ em bắt đầu đi làm khi còn nhỏ và phải chịu áp lực kiếm tiền giúp gia đình. Nếu không kiếm đủ tiền từ việc bán hàng, nhiều em phải tìm cách khác để có tiền". Tuy nhiên, hiện nay, hành vi phạm tội có xu hướng mở rộng ra ngoại thành, vùng sâu, vùng xa, một phần là để dễ bề trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật, phần khác là vì trẻ em ở những nơi này không có được sự bảo vệ tốt như ở thành phố lớn.
Thảm họa từ đói nghèo, thất học
Từ lâu, Chính phủ Việt Nam đã chú trọng nâng cao năng lực tiếp cận dịch vụ giáo dục và y tế của người dân. Đời sống của trẻ em được cải thiện đáng kể, tuy nhiên, không phải mọi trẻ em đều được hưởng sự chăm sóc của cộng đồng một cách bình đẳng. Trong số trẻ em là nạn nhân đã được phỏng vấn, gần một nửa cho biết chưa học hết tiểu học (48%). Các em bỏ học do cần phải làm việc để giúp đỡ gia đình, cũng có khi đơn giản là chúng chán hoặc mải chơi. Một số em học tốt, muốn tiếp tục đi học nhưng việc học hành bị gián đoạn do gia đình di cư, gặp biến cố hoặc đơn giản là thiếu tiền đóng học phí.
Một em gái 17 tuổi là nạn nhân mại dâm trẻ em, ở TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: "Cháu không thể đi học vì gia đình không có tiền. Cháu không biết viết, không thể tìm việc như người khác. Cháu cần ăn và tồn tại. Khi cháu ra công viên, cháu thấy không có sự lựa chọn nào". Trong số 51 em được phỏng vấn chuyên sâu, 47 em cho biết mình bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố không thuận lợi trong gia đình. Chỉ có 4 trẻ em cho biết tuổi thơ của mình bình thường, phần lớn còn lại phải sống trong cảnh nghèo đói, đối diện với bạo lực gia đình và sự ngược đãi.
Xét trên phương diện điều chỉnh hành vi liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em, Việt Nam có những điều luật cần thiết, tuy chưa đầy đủ. Tuy thế, kể từ tháng 3 năm 2006, khi nhạc sĩ người Anh Gary Glittler bị kết án lạm dụng tình dục với hai bé gái người Việt Nam ở thành phố Vũng Tàu, đến nay chưa có một vụ nào khác được đưa ra tòa dù trong thực tế có nhiều trẻ em vẫn cho biết, khách hàng của chúng có cả người nước ngoài. Trong thực tế, tại địa bàn vùng xa, như ở Bắc Hà (Hà Giang), Sa Pa (Lào Cai)… ngay cả người bình thường cũng có thể nhận ra việc thiếu kiểm soát của người lớn khi để trẻ tham gia vào dịch vụ du lịch một cách tự do.
Ngành du lịch Việt Nam đang phát triển rất nhanh với 6,8 triệu lượt khách quốc tế năm 2012. Theo các nhà nghiên cứu, Việt Nam có thể trở thành điểm đến của du lịch tình dục, số vụ lạm dụng tình dục trẻ em qua du lịch sẽ gia tăng. Trước tình hình này, rất nhiều biện pháp được đưa ra để bảo vệ trẻ em như xây dựng lực lượng chuyên trách về lạm dụng tình dục trẻ em, tăng cường khung pháp luật, xây dựng hệ thống phúc lợi xã hội, tăng cường nguồn lực dành riêng từ cộng đồng nhằm tạo cơ hội học hành, việc làm cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn... Tuy nhiên, xét về lâu dài, hướng tới sự bảo vệ trẻ em Việt Nam một cách bền vững, điều quan trọng là từng địa phương, đặc biệt là những địa bàn "nóng" phải xác định rõ trách nhiệm chăm sóc trẻ em cả về vật chất lẫn tinh thần, coi đó là một trong số tiêu chí để xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ của chính quyền cơ sở. Ta không thể nói "trẻ em như búp trên cành" rồi thờ ơ, hoặc bỏ mặc chúng tự "bơi" trong bể khó khăn được.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.