(HNM) - Thông tin về số ca nhiễm virus gây hội chứng hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS) không ngừng tăng lên những ngày qua tại nhiều nước khiến dư luận lo ngại.
Sử dụng máy đo thân nhiệt giám sát sức khỏe khách nhập cảnh nhằm phát hiện kịp thời trường hợp nghi nhiễm MERS-CoV. |
MERS là bệnh gần giống với hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) - từng hoành hành khu vực Châu Á cách đây 10 năm - do một chủng virus corona gây nên. Tuy nhiên, không giống như SARS, MERS ít lây nhiễm hơn giữa người với người. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), loại virus này có cơ chế hoạt động giống như virus cảm cúm và tấn công vào hệ hô hấp. Triệu chứng của người nhiễm bệnh có thể là sốt và ho, nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới viêm phổi, suy thận kèm với tiêu chảy. Tất cả những trường hợp nhiễm bệnh tại 6 quốc gia thuộc khu vực bán đảo Arab đều do lây truyền giới hạn từ người sang người, bao gồm cả các nhân viên y tế có tiếp xúc với bệnh nhân. Mặc dù lây truyền hạn chế nhưng các quan chức y tế đang tỏ ra lo lắng với độc tính của loại virus này khi có tới 1/3 số trường hợp nhiễm MERS đã tử vong.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, lạc đà có thể là một đầu mối quan trọng để truy tìm nguồn gốc của căn bệnh MERS. Trong một bài báo xuất bản mới đây, các nhà khoa học cho biết, họ đã phân lập được virus gây bệnh MERS từ 2 con lạc đà một bướu. Các nhà nghiên cứu cũng khẳng định rằng, 3/4 số lạc đà ở Saudi Arabia được xét nghiệm cho kết quả dương tính từng tiếp xúc với virus MERS. Virus MERS cũng được tìm thấy trong các loài dơi ở nước này. Mặc dù các trường hợp nhiễm MERS tăng đột biến vào những tháng mùa xuân năm nay, nhưng các nhà khoa học chưa thể khẳng định được nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng các ca nhiễm MERS là vì bùng phát theo mùa hay là do virus đã có những đột biến khiến việc lây truyền trở nên dễ dàng hơn. Điều đáng quan ngại là đến nay chưa có vắc xin cũng như các loại thuốc đặc trị dành riêng cho MERS.
Để ngăn chặn không cho dịch bệnh bùng phát, Saudi Arabia mới đây đã thiết lập 3 trung tâm đặc biệt được đặt tại Jeddah, thủ đô Riyadh và khu vực miền Đông. Dự kiến, các trung tâm tương tự sẽ được thiết lập tại các khu vực khác. Số trường hợp nhiễm MERS tăng mạnh đang khiến chính quyền Saudi Arabia lo ngại trong bối cảnh quốc gia này chuẩn bị đón hàng triệu tín đồ Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới trong tháng lễ Ramadan vào tháng 7 tới, cũng như lễ hành hương hằng năm tại thánh địa Mecca và Medina vào đầu tháng 10 tới.
Cùng với Saudi Arabia, các quốc gia khác như Ai Cập, Jordan, Lebanon, Hà Lan, Mỹ… cũng đều ghi nhận thêm các ca nhiễm mới khi hầu hết nạn nhân là những người du lịch đến Saudi Arabia trong thời gian gần đây. Tuy số ca nhiễm đang tăng nhanh tại Saudi Arabia, nhưng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng virus gây chết người này chưa tạo ra tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với y tế cộng đồng. Giới chức y tế Ai Cập mới đây yêu cầu kiểm tra nghiêm ngặt các hành khách đến từ các quốc gia có dịch, đặc biệt là từ Saudi Arabia; thực hiện các biện pháp kiểm dịch tại tất cả các cửa khẩu đường không, đường bộ và đường thủy…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.