(HNM) - Châu Âu tỏ ra không ngạc nhiên trước cú hạ mức tín nhiệm tín dụng liền một lúc với 9 quốc gia trong khu vực do hãng đánh giá tín dụng S&P (Mỹ) vừa đưa ra.
Không kể đến những chủ thể là "mục tiêu" quá rõ của S&P lần này như Italia, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Cyprus thì sự kiện bị mất đi hai bậc tín nhiệm quý giá của Slovakia, Slovenia, Áo, Malta, đặc biệt là Pháp - đầu tàu thứ hai Châu Âu mất chỉ số vàng AAA - đã thành chuyện "đầu lưỡi" ở Cựu lục địa trong những giờ qua. Paris khẳng định không hề sốc trước việc bị S&P "dập vùi" và các chính sách tài chính của quốc gia đang đóng vai trò then chốt trong cuộc vượt thoát khó khăn của Châu Âu khỏi vũng lầy nợ công đã vận hành theo mức của tín nhiệm AA+ hiện nay. Nhưng, cái nhìn không lạc quan của S&P với nước Pháp sẽ gây không ít sóng gió cho những kế hoạch vực dậy nền kinh tế lớn thứ hai Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone). Chưa thể biết chi phí đi vay của Pháp sẽ tăng lên bao nhiêu sau khi không thể trụ hạng AAA, song hậu quả của vụ tụt hạng tín dụng không sớm thì muộn cũng khiến Paris khó có thể tiếp tục huy động tín dụng từ các nhà đầu tư với "lãi suất mềm" đúng thời điểm đang làm mọi cách để giảm khoảng 1,7 nghìn tỷ USD tiền nợ.
"Đây không phải một tin tốt lành, nhưng cũng không đến mức là một thảm họa. Nó giống như một sinh viên bao lâu nay vẫn được điểm 20/20, bây giờ xuống 19 điểm", nhận định có phần hài hước của Bộ trưởng Tài chính Pháp Francois Baroin làm dư luận cảm nhận nước Pháp dường như vẫn chủ động trước cơn bão nợ đang làm "nóng" cả Châu Âu trong mùa đông này. Tuy nhiên, người dân đất nước hình Lục lăng khó có thể cười được khi trước mắt là một tương lai khó khăn hơn. Nếu tuyên bố không có kế hoạch áp dụng thêm các biện pháp kinh tế khắc khổ từ Điện Elysee là có thể tin tưởng được thì cũng chưa có gì bảo đảm 100% rằng triển vọng tín dụng của Pháp ở mức tiêu cực - theo đánh giá của S&P - với tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức 9% và nợ công ở mức cao như hiện nay sẽ được cải thiện trong tương lai gần. Đó là chưa tính đến cảnh báo nước Pháp sẽ còn bị S&P cho rớt hạng trong năm 2012 này nếu các chỉ số kinh tế không thể hiện xu thế lạc quan. Không bình luận, nhưng hơn ai hết Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đang trở thành tâm điểm của mọi chỉ trích từ các đảng đối lập do việc bảo vệ mức tín nhiệm cao nhất luôn được xem là niềm tự hào chính trị của ông chủ Điện Elysee suốt thời gian bão tố vừa qua. Sự kiện ngoài mong muốn này xem ra xuất hiện không đúng lúc khi ông N.Sarkozy quyết định bước vào cuộc đua đầy cạnh tranh vào chiếc ghế Tổng thống Pháp nhiệm kỳ hai trong năm nay.
Bảo vệ các chính sách kinh tế của "bạn đồng hành" Paris, sự lạc quan của Thủ tướng Đức Angela Merkel trước hung tin từ 9 quốc gia Châu Âu với khẳng định mức xếp hạng do S&P vừa đưa ra với Châu Âu chưa phải là tồi tệ được xem như một lời động viên và xoa dịu dư luận. Dẫu vậy, người phụ nữ quyền lực nhất Châu Âu hiện nay cũng không giấu giếm quan điểm rằng quyết định của S&P cho thấy Lục địa già đang đứng trước một chặng dài để có thể lấy lại niềm tin của nhà đầu tư toàn cầu. Dù muốn hay không, cái nhìn của S&P là một cảnh báo "nóng" không chỉ với thực trạng của các quốc gia trong "tầm ngắm" mà quan trọng hơn, đây là một điểm trừ cho cách thức mà Châu Âu đã và đang ứng phó với những thử thách ngày càng tăng ở Eurozone. Ở một chừng mực nào đó, sự kiện vào thứ sáu ngày 13 vừa qua do S&P "bình chọn" trong những ngày đầu năm cũng đã trở thành "ngày thứ sáu đen tối" với Lục địa già khi nó mang đến thông điệp chẳng mấy vui rằng chu trình quản lý khủng hoảng của Châu Âu vẫn rất có vấn đề.
Mặc dù vậy, vẫn có thể an ủi rằng cú tụt hạng mới nhất chỉ là nhìn nhận của riêng S&P trong khi các hãng xếp hạng danh giá khác như Moody's hay Fitch chưa có động thái tương tự. Sẽ là may mắn nếu Cựu lục địa đón nhận tín hiệu đỏ vừa phát đi để thúc đẩy hơn nữa các nỗ lực phá vây nợ công song song với cải tổ chính sách và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong một lộ trình thống nhất để giúp Châu Âu sớm phục hồi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.