Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảnh báo những thủ đoạn lừa đảo mới

Chu Dũng| 27/04/2022 06:12

(HNM) - Thời gian qua, tình hình hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản và bức xúc trong dư luận xã hội. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an đang tập trung đấu tranh với những thủ đoạn mới của tội phạm, đồng thời cùng với các cơ quan liên quan cảnh báo người dân nâng cao cảnh giác...

Công an huyện Chương Mỹ tuyên truyền các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản để người dân nâng cao cảnh giác.

Đánh cắp thông tin để chiếm đoạt tài sản

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, ngoài các thủ đoạn lừa đảo “truyền thống” như giả danh cán bộ Nhà nước, người nhà lãnh đạo cấp cao để lừa đảo xin việc làm, “chạy chức”, “chạy án”, xin dự án…, hiện nay, các đối tượng đang lợi dụng không gian mạng internet để tiếp cận nạn nhân, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với phương thức tinh vi, đa dạng. Đặc biệt, lừa đảo trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán diễn biến phức tạp.

Về vấn đề này, Thượng tá Lê Khắc Sơn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội) thông tin, ngày 21-4-2022, đơn vị đã khởi tố Nguyễn Trần Minh Hòa (sinh năm 1995, thường trú tại tỉnh Vĩnh Long) về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Trước đó, Phòng Cảnh sát hình sự nhận được trình báo về việc tài khoản chứng khoán của một khách hàng bị truy cập trái phép và bị chiếm đoạt 3,4 tỷ đồng. Sau một thời gian điều tra, ngày 20-3-2022, Công an thành phố Hà Nội đã phối hợp với Công an tỉnh Vĩnh Long bắt được Nguyễn Trần Minh Hòa.

“Tại cơ quan công an, Hòa khai nhận, đầu năm 2022, phát hiện một diễn đàn về chứng khoán có lỗi SQL Injection (là lỗi về cơ sở dữ liệu khiến trang web có thể bị chiếm đoạt dữ liệu người dùng) nên đã xâm nhập trái phép, thu thập được hơn 100.000 tài khoản và mật khẩu người dùng. Lợi dụng việc ngân hàng cho mở tài khoản trực tuyến chỉ cần chứng minh nhân dân, không cần phải trực tiếp đến chi nhánh, đối tượng làm giả giấy tờ để mở tài khoản ngân hàng trùng tên với tài khoản chứng khoán chiếm đoạt được, liên kết tài khoản ngân hàng làm giả với tài khoản chứng khoán và rút tiền từ tài khoản chứng khoán... Sau đó, Hòa sử dụng 3,4 tỷ đồng chiếm đoạt được trong tài khoản ngân hàng giả mạo mua tiền kỹ thuật số rồi bán đi để lấy tiền mặt về tài khoản cá nhân. Có thể nói, thủ đoạn xóa dấu vết của Hòa hết sức tinh vi”, Thượng tá Lê Khắc Sơn phân tích.

Cũng trong tháng 4-2022, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) phối hợp cùng Công an thành phố Hà Nội và công an nhiều địa phương phát hiện băng nhóm do Lê Thị Phi Nga (sinh năm 1971; trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cầm đầu sử dụng mạng xã hội đánh cắp thông tin tài khoản, số điện thoại, hình ảnh của người dân, sau đó làm giả chứng minh nhân dân, căn cước công dân để lấy mã OTP, chiếm quyền sử dụng tài khoản và chuyển tiền sang tài khoản của ngân hàng khác để chiếm đoạt. Đến nay, cơ quan công an nhận định, băng nhóm của Nga đã chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của nhiều nạn nhân...

Công an quận Đống Đa lấy lời khai của nhóm đối tượng lừa đảo bằng hình thức đổi tiền qua tài khoản mạng xã hội.

Cần tăng cường công tác bảo mật

Trước sự gia tăng lừa đảo qua internet trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, bà Trương Mai Phương, chuyên viên Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) khuyến cáo, người dân và các nhà đầu tư cần phải tăng cường bảo mật tài khoản internet banking, tài khoản trên các sàn giao dịch chứng khoán, ví điện tử... Các tài khoản này nên sử dụng mật khẩu mạnh (gồm nhiều số, chữ, ký hiệu), riêng biệt với các tài khoản mạng xã hội, diễn đàn và thường xuyên thay đổi mật khẩu định kỳ theo khuyến cáo của đơn vị quản lý.

“Chuyên viên các công ty tài chính, chứng khoán, phòng giao dịch ngân hàng cần có ý thức bảo mật thông tin trong quá trình thực hiện các giao dịch. Điện thoại di động, máy tính cá nhân cần sử dụng chế độ bảo mật nhiều lớp. Không truy cập các đường link lạ, tải và sử dụng các ứng dụng không rõ nguồn gốc”, bà Trương Mai Phương nhấn mạnh.

Thượng tá Phạm Đức Hà, Phó Trưởng phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an thành phố Hà Nội) cho rằng, điều quan trọng là chính người dân phải nêu cao tinh thần cảnh giác. Khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là lực lượng công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án thì không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở..., khi chưa xác minh được nhân thân của người gọi. Đặc biệt, không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản do chúng chỉ định.

Để phòng tránh rủi ro, người dân cần thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội; không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội; không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân như căn cước công dân, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, thẻ ngân hàng. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo những thủ đoạn lừa đảo mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.