(HNM) - Trong bối cảnh nước Đức đang đối mặt với hàng loạt khó khăn, cuộc khủng hoảng người nhập cư tại Châu Âu lại vừa giáng một đòn mạnh vào đảng Liên minh dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Đảng bảo thủ CDU của Thủ tướng Đức chỉ về thứ hai trong cuộc bầu cử cấp vùng tại hai bang Baden-Württemberg và Rheinland-Pfalz. |
CDU vừa hứng chịu thất bại trong cuộc bầu cử vùng tại 3 bang của nước này. Thất bại của CDU do Thủ tướng A.Merkel dẫn dắt đưa ra cảnh báo, chính sách tiếp nhận người di cư của Đức (tiếp nhận hơn 1 triệu người trong năm 2015) tiếp tục gây chia rẽ ngay nội bộ quốc gia đầu tàu Châu Âu.
Theo kết quả cuộc bầu cử nghị viện tại 3 bang ở Đức gồm Rheinland-Pfalz, Sachsen-Anhalt và Baden-Württemberg, tỷ lệ ủng hộ CDU tại cả ba bang đều giảm mạnh. Tại bang Rheinland-Pfalz, với 31,8% số phiếu có được, CDU đã thảm bại trước đảng Dân chủ xã hội (SPD) khi đảng trung tả này bất ngờ giành tới 36,2% số phiếu ủng hộ.
Thất bại tiếp diễn tại bang Baden-Württemberg, khi CDU để mất vị trí mạnh nhất và chỉ nhận được 27% số phiếu so với 30,3% số phiếu ủng hộ đảng Xanh. Tình hình có khả quan hơn tại bang Sachsen-Anhalt, khi CDU vẫn duy trì vị trí hàng đầu với 29,8% số phiếu nhưng số phiếu ủng hộ đã giảm 2,7% so với cuộc bỏ phiếu trước đó. Với những kết quả được công bố, ngay sau cuộc bầu cử, Thủ tướng A.Merkel thừa nhận đây là "một ngày khó khăn với CDU".
Kết quả này dường như là tất yếu, bởi tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng người nhập cư tại Liên minh Châu Âu (EU) nói chung và ở Đức nói riêng tới nay vẫn đang "giậm chân tại chỗ". Trong khi EU vẫn "loay hoay" trước dòng người nhập cư không ngừng tăng thì nhiều quốc gia trong liên minh như Bỉ, Hy Lạp, Áo lại thắt chặt kiểm soát biên giới. Cuộc "cấm chợ ngăn sông" của các nước đe dọa nghiêm trọng Hiệp ước Schengen - tự do đi lại - một giá trị cốt lõi mà EU luôn tự hào. Không chỉ vậy, tiếng nói chung giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn xa vời. Trong cuộc gặp Thượng đỉnh EU - Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua, Ankara đã đưa ra không chỉ một yêu sách cho mục tiêu chặn đứng cuộc khủng hoảng di cư, khiến EU không thể tìm được ngay câu trả lời. Vì thế, mong muốn của Thủ tướng A.Merkel, ít nhất đạt được một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ về khủng hoảng nhập cư trước các cuộc bầu cử nghị viện bang ở Đức đã không thể thành hiện thực.
Dòng người nhập cư không giảm đã không chỉ chia rẽ giữa các thành viên EU mà còn đang làm rạn nứt nội bộ không chỉ nước Đức. Một cuộc thăm dò dư luận Đức trước bầu cử cho thấy, có tới 59% người được hỏi rất không hài lòng với chính sách của nhà lãnh đạo Đức về cuộc khủng hoảng người nhập cư và lượng người ủng hộ CDU liên tục giảm trong khi số người ủng hộ đảng cực hữu "Sự lựa chọn vì nước Đức" (AfD) liên tiếp tăng.
Theo kết quả cuộc bầu cử vừa qua, AfD đã bất ngờ giành chiến thắng ngoạn mục ở cả 3 bang. Sự trỗi dậy của một đảng có tư tưởng bài ngoại, hoài nghi đồng euro trong cuộc khủng hoảng nhập cư ở Đức là có thật. AfD mới được thành lập năm 2013, song đã giành ghế tại nghị viện 8 bang ở Đức đang khẳng định điều đó. Không chỉ tồn tại bất đồng giữa các đảng, Thủ tướng A.Merkel còn đối mặt với những bất đồng ngay chính nội bộ đảng bảo thủ cũng như liên đảng "kết nghĩa chị em" là Liên minh Xã hội cơ đốc giáo (CSU), khi luôn có những tiếng nói phản đối chính sách của Chính phủ đương nhiệm giải quyết khủng hoảng. Sau các cuộc bầu cử, Thủ tướng A.Merkel cho rằng bất đồng giữa CDU và CSU vừa qua "thật khó chấp nhận" với cử tri. Mâu thuẫn của liên đảng bảo thủ có lúc bị đẩy lên mức cao chưa từng có với việc CSU dọa đưa Chính phủ ra tòa hoặc đơn phương áp dụng các biện pháp riêng trong trường hợp khẩn cấp để đối phó cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay.
Tuy vậy, bất chấp thất bại trong các cuộc bầu cử địa phương vừa qua, ông Steffen Seibert, Người phát ngôn của Thủ tướng Đức cho biết, Chính phủ liên bang sẽ tiếp tục chính sách hiện nay với người nhập cư bằng quyết tâm rất lớn cả ở trong nước và nước ngoài. Theo đó, mục tiêu của Đức là tiến tới một giải pháp chung và ổn định trên toàn Châu Âu.
Nhưng để thắng trong cuộc bầu cử lập pháp năm 2017, bà A.Merkel hẳn cũng cần lắng nghe thông điệp mà cử tri Đức ở 3 bang vừa phát đi. Thông điệp đó rất rõ ràng: Các cử tri Đức không hài lòng với chính sách hiện nay của Chính phủ liên bang trong giải quyết khủng hoảng nhập cư. Chắc chắn điều này sẽ buộc chính quyền của bà A.Merkel phải thay đổi trong chính sách tiếp nhận người nhập cư, cụ thể là có thể phải hạn chế bớt số lượng tiếp nhận hay đưa ra các quy định kiểm soát nghiêm ngặt hơn. Lợi ích của người dân Đức là quan trọng nhất. Thế nên, Thủ tướng A.Merkel sẽ không thể phớt lờ trước cảnh báo vừa được cử tri tại 3 bang "lên tiếng".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.