Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảnh báo chất cấm trong đồ uống giảm cân

Thanh Phong| 19/04/2022 05:34

(HNNN) - Từ tâm lý muốn giảm cân nhưng lại ngại vận động, sợ uống thuốc giảm cân gây tác dụng phụ của nhiều phụ nữ, hiện trên thị trường xuất hiện nhiều loại thực phẩm chức năng giảm cân dưới dạng đồ uống như trà thảo dược, cà phê giảm cân, trà sữa thải độc… Theo chuyên gia y tế, việc sử dụng loại đồ uống này tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

Nhanh mà... hại

Thực tế cho thấy, lượng mỡ trong cơ thể phụ nữ tích tụ từ tuổi 40 trở đi đến tuổi mãn kinh có thể tăng 30%. Sự thay đổi về nội tiết tố có khả năng dẫn đến “béo bụng”. Các lý do khác như lối sống, di truyền cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cân sau khi mãn kinh. Do đó, phụ nữ trung niên thường bị ám ảnh bởi số cân nặng “nhích” lên theo từng năm, vòng bụng và những ngấn mỡ phát triển không ngừng.

Để có thể kiểm soát cân nặng an toàn, các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ trung niên nên tập thể dục đều đặn, có chế độ ăn uống khoa học. Tuy nhiên, khi phụ nữ qua tuổi 40, cuộc sống của họ thường bận rộn và phức tạp hơn. Họ lo lắng về công việc, cha mẹ già và nuôi dạy con cái. Bởi bận rộn nên chị em không có nhiều thời gian dành cho việc luyện tập thể dục thể thao đều đặn. Bên cạnh đó là xu hướng bỏ bữa rồi “ăn bù”, hoặc ăn bữa tối muộn..., kết quả thường là cân nặng tăng nhanh.

Trong khi đó, việc kiểm soát cân nặng bằng thuốc giảm cân khiến nhiều người ngần ngại do sợ tác dụng phụ. Vài năm gần đây, chị em có xu hướng dùng các loại đồ uống detox để thải độc, thải mỡ. Ban đầu, đó chủ yếu là nước chanh, các loại nước ép dứa, cần tây, cà chua, rau củ quả - những loại đồ uống mà mọi người có thể tự pha chế tại nhà. Đồ uống làm từ trái cây, rau củ có năng lượng thấp, nhiều vitamin và khoáng chất, giúp tiêu hóa thức ăn, giảm cảm giác đói và tăng chuyển hóa chất béo. Một số nước uống ít năng lượng có thể dùng trong bữa phụ để giảm cảm giác đói, giúp giảm cân tốt hơn. Tuy nhiên, việc giảm cân bằng đồ uống detox thường rất chậm, cân nặng khó giảm nhanh như mong muốn.

Nắm bắt tâm lý muốn giảm cân “nhanh mà tiện”, nhiều nhà sản xuất tung ra thị trường các loại đồ uống dưới dạng thực phẩm chức năng giảm cân như cà phê, trà sữa, trà thảo mộc. Những loại đồ uống này có vẻ lành tính, được đóng gói với dạng bột pha sẵn, không mất nhiều thời gian chế biến nên nhanh chóng “được lòng” các chị em.

Chị Thu Ngà (ở quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Sau khi sinh 2 con và bước vào tuổi trung niên, cân nặng của tôi tăng nhanh chóng. Tôi rất muốn giảm cân nhanh và hiệu quả nhưng không dám sử dụng các loại thuốc giảm cân vì sợ tác dụng phụ. Gần đây, nghe nói có những loại đồ uống giúp giảm cân, thải độc, giảm mỡ như cà phê, trà xanh, trà sữa nên tôi dùng thử”. Tuy nhiên, sau khi sử dụng hết một hộp trà sữa giảm cân bán qua mạng xã hội từ một “tư vấn viên” online, chị Ngà tuy có giảm được 1 - 2kg nhưng luôn có cảm giác mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, đi vệ sinh liên tục. Tình trạng giống hệt như trước đây, khi chị dùng thuốc giảm cân, khiến chị lo lắng, không hiểu loại đồ uống giảm cân mà mình dùng có thực sự an toàn hay không.

Thực ra, chị Ngà vẫn còn may mắn hơn so với nhiều người đã phải nhập viện khẩn cấp vì sử dụng những loại đồ uống này. Tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, Trung tâm vừa điều trị cho một bệnh nhân nữ vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê, co giật sau 4 ngày uống cà phê giảm cân.

Bệnh nhân là phụ nữ 37 tuổi, ở huyện Gia Lâm, Hà Nội. Sau khi sinh con thứ 3, chị tăng cân khá nhiều, ảnh hưởng đến vóc dáng. Người bạn cùng công ty giới thiệu một loại cà phê giảm cân với lời quảng cáo “rất hiệu quả, uống 1 tuần có thể giảm được 4kg”.  Chị đã mua 1 hộp (30 gói) với giá 550.000 đồng, mỗi sáng uống 1 gói.

Khi uống đến ngày thứ 4, sau uống 15 phút, người phụ nữ này có cảm giác khó thở, lạnh toát và háo nước, thân nhiệt hạ thấp đột ngột, phải bật quạt sưởi và đắp chăn bông mà vẫn thấy lạnh. Bệnh nhân phải nhập viện trong tình trạng khó thở rồi hôn mê, co giật. Kết quả chụp cắt lớp cho thấy não bị tổn thương. Sau khi bệnh nhân được các bác sĩ hồi sức cấp cứu, hỗ trợ hô hấp thì tình trạng bệnh mới dần cải thiện.

Kết quả giám định cho thấy, trong loại cà phê giảm cân mà bệnh nhân sử dụng có chứa sibutramine, một chất độc đã bị Bộ Y tế cấm dùng trong tân dược, thực phẩm chức năng vì có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người dùng.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, chất sibutramine có nhiều độc tính, có thể gây biến chứng về tim mạch, đặc biệt là đột quỵ và nhồi máu cơ tim nên cả Mỹ và châu Âu đã ngừng sử dụng từ năm 2010.

Phương pháp giảm cân an toàn là có chế độ ăn khoa học và thể dục hợp lý. Ảnh: Diệu Anh

Quan trọng là chế độ ăn uống, sinh hoạt

Ngay sau vụ việc trên, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có quyết định thu hồi thực phẩm bổ sung cà phê Hoàng Gia. Đây là loại đồ uống khiến người phụ nữ nói trên được đưa đi cấp cứu trong tình trạng hôn mê, co giật, tổn thương não. Sản phẩm do Công ty TNHH dược mỹ phẩm Lasva có địa chỉ tại xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội (nay đổi tên thành Công ty TNHH Nghiên cứu và Phát triển dược mỹ phẩm Thịnh Việt Pharma, địa chỉ tại thôn Kim Đái 1, xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) sản xuất. Đơn vị chịu trách nhiệm phân phối sản phẩm: Công ty cổ phần Dược mỹ phẩm Hoàng Gia Phát, địa chỉ: Khu 11, thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình.

Cục An toàn thực phẩm đã yêu cầu các doanh nghiệp nêu trên thu hồi sản phẩm thực phẩm bổ sung cà phê Hoàng Gia, đồng thời đề nghị Công an, UBND huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình kiểm tra, giám sát việc chấp hành...

Nhưng trên thị trường online, ngoài loại cà phê giảm cân kể trên còn có hàng loạt loại trà thảo dược, trà sữa giảm cân vẫn được rao bán tràn lan, rất khó kiểm soát về chất lượng. Vì vậy, chị em không nên vì những lời quảng cáo “có cánh” mà tìm đến các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chất lượng để rồi nhận hậu quả nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Người dân cần giảm cân nên khám để được các bác sĩ, chuyên gia về dinh dưỡng tư vấn, điều chỉnh chế độ ăn, tập luyện phù hợp. Khi cần dùng thuốc, bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng hoặc bác sĩ nội khoa sẽ kê đơn, theo dõi việc sử dụng để bảo đảm an toàn.

Đánh giá về phương pháp giảm cân bằng đồ uống, PGS.TS Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết: Giảm cân bằng đồ uống hiện là phương pháp được nhiều người lựa chọn. Nhưng thực tế không có loại đồ uống giảm cân đơn thuần, mà phải sử dụng kết hợp với điều chỉnh chế độ ăn và luyện tập.

Đồ uống hỗ trợ giảm cân là những đồ uống làm từ trái cây, rau củ. Một số nước uống ít năng lượng có thể dùng trong bữa phụ để giảm cảm giác đói, giúp giảm cân tốt hơn như nước ép dứa, nước chanh, nước ép cà chua, nước ép bưởi, nước ép dưa chuột, nước ép rau củ, nước hạt chia…

Một số nghiên cứu cho thấy, việc sử dụng đồ uống detox có thể giúp giảm cân nhưng cũng có thể gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe, dẫn tới nguy cơ tăng cân nhanh trở lại khi ngừng detox.

Với phụ nữ ngoài 35 tuổi, cơ thể sẽ tăng tích khối mỡ và giảm khối nạc, nếu không tăng cường luyện tập thì sẽ có nguy cơ thừa cân béo phì. Phương pháp an toàn nhất là giảm năng lượng ăn vào (giảm từ từ khoảng 200 - 300 kcal/ngày), tăng cường hoạt động thể lực vì enzyme tiêu chất béo chỉ được kích hoạt khi hoạt động thể lực tích cực hằng ngày.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo chất cấm trong đồ uống giảm cân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.