(HNM) - Phái đoàn hai miền Triều Tiên vừa khép lại cuộc đàm phán lần thứ hai trong vòng một tháng qua về các biện pháp nhằm thúc đẩy hoạt động của khu công nghiệp chung Kêxâng mà không đạt được thỏa thuận nào.
Thật khó có thể tìm được tiếng nói chung trong một cuộc đàm phán khi Hàn Quốc đề xuất thảo luận về giao thông vận tải, thông tin liên lạc, hệ thống hải quan... mà Triều Tiên lại muốn vấn đề tăng lương cho khoảng 42.000 công nhân Triều Tiên đang làm việc tại hơn 100 doanh nghiệp Hàn Quốc tại khu công nghiệp này phải được thảo luận trước.
Quân đội Hàn Quốc tăng cường an ninh trên vùng biển tranh chấp sau các vụ bắn pháo. |
Cuộc đàm phán trên diễn ra trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên những ngày qua liên tục bị đốt nóng bởi hàng loạt vụ bắn pháo của CHDCND Triều Tiên tại vùng biển tranh chấp với Hàn Quốc, gần đảo Yônpiêng, thuộc Giới tuyến phía Bắc (NLL). Hàn Quốc cũng đáp lại bằng một loạt đạn pháo tương tự; đồng thời triển khai một đơn vị chiến đấu cơ động cao đầu tiên để bảo vệ tốt hơn các vùng biển của nước này và sẵn sàng đánh trả nếu Triều Tiên có các hành động khiêu khích.
Cho dù các vụ nã pháo không gây thương vong nhưng đã khiến mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên - vốn đã xảy ra nhiều cuộc khẩu chiến thời gian qua - càng trở nên phức tạp. Báo chí Hàn Quốc nhận định, hành động làm gia tăng căng thẳng trên của Triều Tiên là nhằm tăng sức ép với Hàn Quốc và Mỹ về việc ký hiệp định hòa bình. Đây cũng được xem là "hành động trả đũa" của Bình Nhưỡng trước tuyên bố mới đây của Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc về khả năng nước này sẽ tấn công phủ đầu nếu Triều Tiên có biểu hiện "khiêu khích hạt nhân".
Thực tế cho thấy, NLL do Liên hợp quốc ấn định, là ranh giới giữa hai miền sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Tuy nhiên tại vùng biển này liên tục xảy ra các vụ đụng độ, mới nhất là vụ hồi tháng 11-2009. Việc CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc lần này "nói chuyện bằng đại bác" gần vùng biển tranh chấp trên chỉ diễn ra một ngày sau khi Bình Nhưỡng thông báo khu vực cấm tàu thuyền ở phía Nam NLL. Triều Tiên cho rằng, các vụ bắn pháo trên là một phần trong kế hoạch tập trận hằng năm; đồng thời khẳng định hoạt động tương tự sẽ tái diễn trong tương lai. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã gửi nhiều thông điệp tới Triều Tiên thông qua đường dây nóng, yêu cầu Bình Nhưỡng hủy bỏ tuyên bố xác lập một khu vực cấm tàu bè đi lại ngoài khơi vùng biển phía Tây, vì khu vực này được xác lập ở phía Nam NLL, gần hai hòn đảo ở biển Hoàng Hải do Hàn Quốc kiểm soát.
Giới phân tích cho rằng, có thể bằng cách gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, Bình Nhưỡng muốn gửi tới Mỹ thông điệp rằng, đối thoại về hiệp ước ngừng bắn cho cuộc chiến tranh Triều Tiên là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Nếu một hiệp định hòa bình được ký giữa Mỹ và Triều Tiên và niềm tin được xây dựng, các giải pháp duy trì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên sẽ được kiến tạo và nguy cơ chiến tranh sẽ được giải trừ. Điều này cũng nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Pắc khi trong một phát biểu gần đây, ông bày tỏ sẵn sàng gặp gỡ nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Châng In, bất chấp tình hình căng thẳng hiện nay. Tuy nhiên, Tổng thống Li Miêng Pắc nhấn mạnh sẽ không chấp nhận phải "trả giá" để thuyết phục Bình Nhưỡng trở lại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều.
Cho dù không bên nào vi phạm đường giới tuyến trong hàng loạt vụ bắn pháo trên, song động thái trên một lần nữa cho thấy thế cờ giằng co trên bán đảo Triều Tiên vẫn hết sức phức tạp. Điều này hoàn toàn có cơ sở bởi ngày 2-2, Triều Tiên lại thông báo thêm 5 khu vực biển cấm tàu thuyền qua lại, trong đó có các khu vực nước này từng tiến hành thử tên lửa. Hàn Quốc cho rằng, động thái mới này của Triều Tiên gây lo ngại về khả năng Bình Nhưỡng lại thử tên lửa tầm ngắn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.