Theo dõi Báo Hànộimới trên

Căng thẳng ngoại giao Bolivia - Tây Ban Nha - Mexico: Rối trong, vướng ngoài...

Quỳnh Dương| 06/01/2020 06:54

(HNM) - Căng thẳng trong quan hệ giữa Bolivia với Tây Ban Nha và Mexico đang ngày càng có chiều hướng leo thang khi những ngày gần đây các bên liên tục có động thái và phát ngôn trả đũa lẫn nhau liên quan tới vấn đề tị nạn cho các quan chức chính phủ tiền nhiệm của Bolivia.

Ngày 4-1, 6 cảnh sát đặc nhiệm Tây Ban Nha đã phải rời khỏi Bolivia do bị cáo buộc tìm cách xâm nhập nhà riêng của Đại sứ Mexico tại Bolivia ở thủ đô La Paz để "cứu” cựu Bộ trưởng Nội vụ Bolivia Juan Ramon Quintana - nhân vật mà chính phủ tạm quyền nước này tuyên bố là "tội phạm bị truy nã". Theo Giám đốc Cơ quan Di cư quốc gia Bolivia, ông Marcel Rivas, 6 đặc nhiệm nêu trên là thành viên của một nhóm đặc biệt thuộc Lực lượng bảo vệ dân sự Tây Ban Nha đã vào nước này dưới danh tính giả. Camera an ninh đã ghi lại hình ảnh của những người này với khuôn mặt được che kín ở gần tư gia của Đại sứ Mexico trong khi các nhà ngoại giao Tây Ban Nha là Cristina Borreguero và Alvaro Fernandez đang có mặt tại đây. Mặc dù vậy, phía Tây Ban Nha phủ nhận việc cố gắng giúp ông Quintana trốn thoát.

Tranh cãi ngoại giao giữa ba nước bắt nguồn từ sau cuộc bầu cử hồi tháng 10-2019. Khi đó, Tổng thống Evo Morales tái đắc cử nhưng phe đối lập tố cáo có gian lận. Trước sức ép từ quân đội và những người biểu tình, ông E.Morales buộc phải từ chức, xin tị nạn tại Mexico và hiện giờ đang ở Argentina. Cho rằng cựu Tổng thống phải ở lại và chịu trách nhiệm trước những cáo buộc, chính phủ tạm quyền của Bolivia đã phản đối chính phủ cánh tả ở Mexico điều máy bay quân sự đến đón ông E.Morales và cho phép nhân vật này lưu trú. Còn Tây Ban Nha được cho là đã cố tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của Bolivia khi cử các quan chức ngoại giao bí mật thăm thành viên của chính phủ tiền nhiệm hiện đang tị nạn tại Đại sứ quán Mexico ở La Paz. Ngày 31-12-2019, Tổng thống lâm thời Bolivia Jeanine Anez đã yêu cầu Đại sứ Mexico Maria Teresa Mercado và 2 quan chức Tây Ban Nha rời khỏi quốc gia Nam Mỹ trong vòng 72 giờ. Phía Bolivia cáo buộc những nhân vật này vi phạm các quy tắc ngoại giao khi hỗ trợ các cựu quan chức thân cận với ông E.Morales, bao gồm cho phép họ hoạt động chính trị và đi lại bằng xe ngoại giao.

Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Mexico đã triệu hồi bà M.Mercado về nước để bảo đảm sự an toàn, đồng thời chỉ trích quyết định của Bolivia mang động cơ chính trị. Tuy nhiên, giới chức Mexico cũng cho rằng chính phủ nước này muốn duy trì quan hệ với Bolivia nên không tuyên bố Đại sứ Bolivia tại Mexico là "nhà ngoại giao không được thừa nhận" như phía La Paz đã làm. Song, Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha đáp trả bằng cách buộc 3 nhà ngoại giao Bolivia rời khỏi nước này.

Những vụ trục xuất liên tiếp được cho là hành động quyết liệt nhất mà Tổng thống lâm thời J.Anez thực hiện để tái định hình chính sách đối nội và đối ngoại kể từ khi kế nhiệm ông E.Morales hồi tháng 11-2019. Cuộc khủng hoảng tại quốc gia Nam Mỹ đã thể hiện sự chia rẽ sâu sắc không chỉ trong nội bộ nước này mà còn ở khu vực Mỹ Latinh.

Để giải quyết khủng hoảng, một cuộc bầu cử mới đã được ấn định vào ngày 3-5 tới. Theo dự đoán, lực lượng tạm quyền do Tổng thống J.Anez đứng đầu có thể sẽ chiến thắng; tuy nhiên, chính phủ mới có nguy cơ vấp phải không ít thách thức giữa bối cảnh người ủng hộ cựu Tổng thống E.Morales vẫn rất đông đảo và không dễ chấp nhận những người đã hạ bệ ông. Trong khi đó, mối quan hệ giữa Bolivia với các quốc gia cùng khu vực đang do các đảng phái cánh tả điều hành cũng được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn. Quả thật, với việc chuyển giao quyền lực không xuôi thuận, suôn sẻ, chính trường Bolivia đang rơi vào thế "rối trong, vướng ngoài" và sự ổn định rõ ràng còn chưa nhìn thấy trong một tương lai gần...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Căng thẳng ngoại giao Bolivia - Tây Ban Nha - Mexico: Rối trong, vướng ngoài...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.