(HNM) - Bất chấp những cảnh báo của Triều Tiên sẽ tự vệ bằng các cuộc tấn công trả đũa không báo trước quy mô lớn cũng như khuyến cáo của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ), Hàn Quốc vẫn khai hỏa cuộc thao luyện bắn đạn thật chiều 20-12 sau nhiều ngày trì hoãn.
Việc quân đội Hàn Quốc tập trận bắn đạn thật trên đảo Yeonpyeong, chỉ nằm cách đường giới tuyến phía Bắc (NLL) trên biển Hoàng Hải với Triều Tiên hơn chục kilômét đang làm dấy lên mối lo ngại về những đụng độ mới có thể xảy ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang sau cuộc đấu pháo hôm 23-11.
Quân đội Hàn Quốc được tăng cường tới đảo Yeonpyeong. |
Cho rằng cuộc thao luyện chỉ là hoạt động thường niên, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc khẳng định mục tiêu của cuộc tập trận là hướng Tây - Nam, không nhằm vào hướng Triều Tiên; đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng kiềm chế các hành động trả đũa. Song với Triều Tiên, động thái trên của Hàn Quốc là không thể chấp nhận vì bất kỳ vụ thử vũ khí nào thì đầu nổ cũng sẽ rơi vào các vùng lãnh hải nước này. Cùng với cáo buộc Mỹ và Hàn Quốc có hành vi gây hấn quân sự liều lĩnh, Bình Nhưỡng một lần nữa cáo buộc Seoul đang châm ngòi căng thẳng giữa hai miền.
Nguy cơ về một cuộc đối đầu căng thẳng mới trên bán đảo Triều Tiên không chỉ là mối quan ngại thường trực của người dân hai nước, đặc biệt là người dân Hàn Quốc đang sống trên đảo Yeonpyeong, mà còn trở thành chủ đề gây nhiều tranh cãi trên bàn nghị sự của Hội đồng Bảo an LHQ. Cuộc họp khẩn cấp kéo dài 8 giờ do Nga khởi xướng hôm 20-12 đã kết thúc mà không đạt được bất cứ sự đồng thuận nào, thậm chí không thể ngăn được cuộc thao luyện của Hàn Quốc, bởi trong khi Nga và Trung Quốc kêu gọi Hàn Quốc bỏ kế hoạch tập trận, Mỹ - đồng minh gần gũi của Seoul lại cho đây là quyền tự vệ chính đáng khi cho rằng họ cần chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với các hành động khiêu khích tiếp theo. Đây là thất bại nặng nề làm tiêu tan hơn 300 ngày hy vọng về một vòng đàm phán sáu bên sẽ được nối lại sau khi Triều Tiên hủy bỏ cuối năm 2009.
Nhìn một cách hệ thống có thể thấy, việc hai miền Triều Tiên gia tăng căng thẳng quanh khu vực đảo Yeonpyeong thời gian qua như một nút thắt được tháo cởi sau hơn 2 năm luôn căng như dây đàn. Với một số nhà phân tích Hàn Quốc, cuộc đấu pháo trên đảo Yeonpyeong đơn thuần là mục tiêu chính trị của Triều Tiên khi muốn gia tăng sức ép với Hàn Quốc và Mỹ nhằm đạt lợi thế trên bàn đàm phán sáu bên, củng cố nội bộ để hoàn tất việc chuyển giao quyền lực. Song một số ý kiến khác lại cho rằng, hành động đáp trả mạnh mẽ của Triều Tiên là nhằm cảnh báo về quy luật "già néo đứt dây"; đồng thời muốn phát đi một thông điệp rằng, chính sách cứng rắn, gắn viện trợ với đòi hỏi phi hạt nhân, không đàm phán với Triều Tiên trừ phi nước này cam kết hủy bỏ vũ khí hạt nhân của Hàn Quốc sẽ chẳng đi đến đâu, ngược lại còn đẩy bán đảo Triều Tiên vào thế đối đầu nguy hiểm hơn.
Trong bối cảnh những lo ngại về một cuộc đối đầu mới có thể tái diễn trên bán đảo Triều Tiên, hy vọng đã lóe lên khi chuyến thăm Triều Tiên với tư cách cá nhân của Thống đốc bang New Mehico (Mỹ) Bill Richardson vừa kết thúc đã đạt được kết quả khả quan. Không chỉ cho phép các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế trở lại cơ sở hạt nhân Yonpyon, Triều Tiên còn đồng ý chuyển ra khỏi nước này các thanh nhiên liệu hạt nhân sử dụng làm giàu urani; đồng thời thành lập một ủy ban quân sự và thiết lập một đường dây nóng giữa hai miền Triều Tiên với Mỹ. Cùng với chuyến thăm của hai cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và Bill Clinton hai năm qua, chuyến thăm đầu tiên của một thống đốc Mỹ với tư cách cá nhân đến Triều Tiên kể từ sau vụ đấu pháo hôm 23-11 là bước đột phá trong các nỗ lực ngoại giao trên bán đảo Triều Tiên hiện nay.
Cuộc thao luyện bắn đạn thật của Hàn Quốc đã kết thúc mà không xảy ra đụng độ, song điều đó không có nghĩa mọi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã được hóa giải. Hy vọng về một bán đảo Triều Tiên hòa bình trong năm mới 2011 chỉ có thể trở thành hiện thực khi các bên gác lại bất đồng để trở lại bàn đàm phán; đồng thời tránh các hành động "ăn miếng trả miếng" khiến tình hình căng thẳng hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.