Theo dõi Báo Hànộimới trên

Căng thẳng chính trường Thái Lan

Đình Hiệp| 07/07/2012 06:54

(HNM) - Bất chấp lời cảnh báo từ Cục Khí tượng Thái Lan về những trận mưa lớn trên diện rộng và nguy cơ lũ lụt có thể xảy ra vài ngày tới, cuộc thảo luận của các thẩm phán Tòa án Hiến pháp về tính hợp pháp của dự luật sửa đổi Hiến pháp diễn ra 48 giờ qua vẫn trở thành tâm điểm của dư luận xứ Chùa Vàng.


Lực lượng “áo vàng” cho rằng việc sửa đổi Hiến pháp sẽ có lợi cho cựu Thủ tướng Thaksin.

Để tìm câu trả lời cho những tranh cãi trên chính trường Thái Lan thời gian qua, các thẩm phán đã nghe 15 nhân chứng gồm cả những người ủng hộ lẫn phản đối về dự luật sửa đổi Hiến pháp trước sự giám sát an ninh chặt chẽ của hơn 200 cảnh sát bên ngoài trụ sở Tòa án Hiến pháp. Một loạt vấn đề được dư luận Thái Lan đặt ra là liệu dự luật sửa đổi Hiến pháp được Chính phủ bảo trợ có vi hiến hay không; liệu dự luật sửa đổi Hiến pháp có phải là một âm mưu lật đổ quyền lực lãnh đạo mang tính dân chủ với Nhà vua Thái Lan là người đứng đầu nhà nước hay không; liệu có âm mưu tiếm quyền bằng những phương thức vi hiến như từng bị các nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ (DP) kiến nghị hay không…?

Các nguyên đơn do DP đối lập với lực lượng "áo vàng" hậu thuẫn cho rằng, Quốc hội và Chính phủ do đảng Puea Thai (Vì nước Thái) cầm quyền đã tiến hành sửa đổi Điều 291 của Hiến pháp 2007, động thái mở đường cho việc thành lập Hội đồng soạn thảo Hiến pháp mới nhằm xóa bỏ thể chế dân chủ do Nhà vua làm nguyên thủ, vi phạm Điều 68 của Hiến pháp. Trong khi phía bên kia là các bị đơn do Puea Thai cầm quyền đứng đầu với sự hậu thuẫn của lực lượng "áo đỏ" khẳng định rằng, dự luật sửa đổi Hiến pháp là bước đi cần thiết để chấm dứt các mâu thuẫn trên chính trường Thái Lan hơn 6 năm qua, bởi tiến trình này nhằm bảo đảm dân chủ hơn chứ không thay đổi thể chế dân chủ do Nhà vua làm nguyên thủ.

Trở thành nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử xứ Chùa Vàng cách đây một năm, những thách thức mà bà Yingluck Shinawatra phải đối mặt trong năm qua không hề nhỏ, đặc biệt trong bối cảnh xã hội Thái Lan bị chia rẽ sâu sắc. Thách thức lớn khi bước vào nhiệm kỳ 4 năm của bà Yingluck là phải chứng tỏ khả năng vận hành chính phủ mà không cần đến sự can thiệp từ người anh trai, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đang sống lưu vong ở nước ngoài. Gần một năm sau khi nhậm chức, câu chuyện dự luật sửa đổi Hiến pháp được cho là nhằm ân xá và mở đường cho cựu Thủ tướng Thaksin về nước tiếp tục trở thành tâm điểm gây tranh cãi trên chính trường Thái Lan.

Để có thể trụ vững trên chiếc "ghế nóng", bên cạnh việc đẩy nhanh quá trình hòa giải dân tộc, thực hiện một loạt cải cách để thúc đẩy phát triển kinh tế… Chính phủ của Thủ tướng Yingluck còn quyết định tăng lương tối thiểu lên 300 bạt/ngày (khoảng 10 USD) từ ngày 1-4 tại 6 tỉnh và ở đặc khu hành chính thủ đô Bangkok. Với hy vọng mức lương tối thiểu tăng sẽ khuyến khích các công ty trong nước cải tổ và nâng cấp các hoạt động, song quyết định này lại khiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn, bởi mức lương này cao hơn so với các quốc gia trong khu vực. Nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán trong vòng hơn một năm tới, khoảng 1/3 công ty của Thái Lan sẽ cắt giảm nhân công khi không kham nổi việc tăng lương tối thiểu lên tới 40% này cho nhân viên. Khi tỷ lệ thất nghiệp tăng, sức cạnh tranh của hàng hóa Thái Lan trên thị trường quốc tế giảm có thể sẽ là nguyên nhân gây bất ổn trên chính trường.

Dự luật sửa đổi Hiến pháp do Puea Thai cầm quyền khởi xướng một lần nữa trở thành nguyên nhân gây căng thẳng trên chính trường Thái Lan. Dù chưa có kết luận cuối cùng của Tòa án Hiến pháp nhưng một số giả thiết đã được đưa ra. Nếu Tòa án Hiến pháp nhận thấy dự luật sửa này đe dọa nền quân chủ của Thái Lan, có thể Puea Thai cầm quyền bị giải tán. Mặc dù đương kim Thủ tướng Yingluck không nhất thiết phải từ chức khi tình huống không mong muốn này xảy ra, nhưng nó có thể làm gia tăng tình trạng bất ổn ở xứ Chùa Vàng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Căng thẳng chính trường Thái Lan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.