(HNM) - Nghề chăn nuôi (CN) bò sữa đang giúp nông dân huyện Gia Lâm
Nghề nuôi bò sữa "bén duyên" đất Phù Đổng từ những năm 1986-1987 khi một số cán bộ, công nhân là người địa phương công tác tại Nông trường Bò sữa Phù Đổng nghỉ hưu đã đưa bò về nuôi tại gia đình. Trải qua bao thăng trầm, đến nay đàn bò sữa ở Phù Đổng ngày càng phát triển cả số lượng và chất lượng bởi giá trị kinh tế mà nghề này mang lại. Vì vậy, Phù Đổng được mệnh danh là "thủ phủ" CN bò sữa ở Gia Lâm với tổng đàn trên 1.600 con, có hơn 800 con đang cho khai thác sữa.
Việc chăn nuôi bò sữa thiếu quy hoạch gây ảnh hưởng tới môi trường ở xã Phù Đổng(huyện Gia Lâm). Ảnh: Thái Hiền
Chủ nhiệm HTX Dịch vụ CN bò sữa Nguyễn Hữu Hòa cho biết, với hơn 800 con bò đang cho khai thác, sản lượng sữa mỗi ngày của xã đạt gần 13 tấn. Thực hiện tốt mối liên kết "4 nhà" từ khâu tuyển chọn giống, hướng dẫn kỹ thuật CN cho bà con đến tiêu thụ sản phẩm, đến nay đã có 99% sản lượng sữa bò được bán trực tiếp cho 3 công ty sữa: Vinamilk, Hanoimilk và Dozy qua 7 trạm thu mua tại các thôn. Hiện tại, với mức giá bán 11.500-11.800 đồng/lít, mỗi ngày người dân xã Phù Đổng thu về trên dưới 150 triệu đồng. Từ khi có bò sữa, đời sống của bà con khấm khá hẳn. Nhiều hộ từ chỗ nghèo khó nay đã vươn lên làm giàu. Cũng từ con bò, nhiều hộ đã đổi đời.
Tuy nhiên, ở xã Phù Đổng những ngày này, mùi hôi thối bốc lên từ hệ thống kênh thoát nước trong khu dân cư khiến cái nóng càng trở nên ngột ngạt. Đi một vòng quanh xã, nhất là các thôn Phù Dực 1, 2 và Phù Đổng 1, bờ mương ở các khu đồng tiếp giáp với khu dân cư đầy rẫy phân bò và chất thải từ CN. Ông Hoàng Đình Sơn ở xóm Nông, thôn Phù Dực 2 phân trần: "Nhà chật, lại nuôi 2 con bò sữa, không có tiền xây hầm bioga nên nhiều năm nay gia đình tôi sống chung với ô nhiễm. Không có chỗ chứa nên tất cả lượng chất thải CN đều phải đổ ra kênh mương, ra đồng. Biết làm như vậy sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng biết làm gì khi kinh tế gia đình còn khó khăn".
Đó chỉ là một trong nhiều nguyên nhân khiến cho môi trường sống ở Phù Đổng ngày càng ô nhiễm nặng. Bà Nguyễn Thị Hằng, cán bộ thú y xã nhận định: Môi trường ô nhiễm còn do các hộ CN bò sữa chưa có ý thức cao trong bảo vệ môi trường. Mặc dù xã đã xây dựng mỗi thôn một hố chứa chất thải CN, nhưng do lười đi xa nên nhiều hộ cứ "tiện đâu đổ đấy".
Chủ tịch UBND xã Phù Đổng Hoàng Đức Cường cho biết, một trong những giải pháp được xã áp dụng nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm do CN bò sữa gây nên là vận động các hộ xây hầm bioga. Đã có nhiều dự án hỗ trợ nông dân, nhưng do kinh phí xây dựng cao nên đến nay trong tổng số hơn 700 hộ dân nuôi bò trong xã vẫn còn gần nửa đang phải "sống chung" với ô nhiễm. Ngoài ra, khi xây hầm bioga, các hộ phải cải tạo lại hệ thống chuồng trại CN nên nhiều hộ "ngại" làm.
Cùng với giải pháp xây dựng hầm bioga, xã đã xây dựng ở mỗi thôn một hố tập kết chất thải CN. Tuy nhiên, do lượng chất thải nhiều (bình quân mỗi con bò thải 15kg chất thải các loại/ngày) nên đưa vào sử dụng được thời gian ngắn hầu hết các hố đều quá tải, người dân tiếp tục đổ chất thải ra môi trường. Theo ông Hoàng Đức Cường, để khuyến khích nghề CN bò sữa phát triển, trở thành nghề kinh tế mũi nhọn, xã cũng đã nghĩ đến việc đưa CN bò sữa ra xa khu dân cư, nhưng do quỹ đất công có hạn, các hộ CN bò trên địa bàn chủ yếu quy mô hộ gia đình (2-3 con/hộ) không có nhu cầu mở rộng quy mô chăn nuôi do diện tích trồng cỏ hạn chế (hiện người chăn nuôi vẫn phải đi xa hàng chục cây số để mua cỏ cho bò), lao động CN bò không nhiều... nên việc đưa chăn nuôi ra xa khu dân cư khó có thể thực hiện... Giải pháp nào "cứu" môi trường đang là bài toán khó đối với chính quyền xã Phù Đổng.
Từ nhiều năm nay, nghề CN bò sữa được Đảng ủy, chính quyền và người dân Phù Đổng chọn là nghề đột phá trong phát triển kinh tế. Cả xã có 700/3.400 hộ CN bò sữa ở tất cả các thôn, tập trung nhiều ở các thôn Phù Dực 1, 2, Phù Đổng 1.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.