(HNM) - Cùng với Nhà ga hành khách (NGHK) T2 đang được đầu tư xây dựng, tương lai không xa, Bộ GTVT và Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam tiếp tục đầu tư NGHK T3, T4, mở thêm đường cất hạ cánh 1C, mở rộng sân đỗ tàu bay và nhà ga hàng hóa...
Đây là những công trình trọng điểm nằm trong Quy hoạch điều chỉnh Cảng Hàng không quốc tế (CHKQT) Nội Bài đến năm 2020 và định hướng sau năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để Nội Bài trở thành một CHK tầm cỡ quốc tế.
Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài. |
CHKQT Nội Bài hiện có 43 hãng hàng không trong và ngoài nước khai thác thường xuyên đến 35 vùng lãnh thổ, thành phố trong nước và trên thế giới. Trong đó, nhà ga T1 với công suất thiết kế 6 triệu hành khách/năm hiện đã bị quá tải. Sản lượng tàu bay cất hạ cánh, hành khách, hàng hóa và bưu kiện thông qua cảng tăng trung bình 15%/năm. Năm 2011, cảng đã đón gần 80 ngàn lần chuyến tàu bay cất hạ cánh, chuyên chở gần 11 triệu lượt hành khách và hơn 240 ngàn tấn hàng hóa thông qua. Từ đầu năm 2012 đến nay, có những ngày cảng đón 249 lần chuyến tàu bay cất hạ cánh. Sản lượng hàng hóa tăng trưởng cao so với các giai đoạn trước. CHKQT Nội Bài hiện có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong số các CHK của Việt Nam.
Nhiều chuyên gia hàng không cho rằng, CHKQT Nội Bài giờ đã thành "manh áo chật". Nếu so với sân bay của thủ đô nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, CHKQT Nội Bài lại càng trở nên nhỏ bé, đặc biệt là trong thời kỳ Thủ đô và đất nước hội nhập quốc tế mạnh mẽ. Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 590/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch CHKQT Nội Bài giai đoạn đến năm 2020 và định hướng sau năm 2020 là cơ sở để Nội Bài có cơ hội vươn mình, phát triển thành một CHK tầm cỡ quốc tế, đáp ứng tốt cho nhu cầu phát triển của toàn vùng Thủ đô.
Ông Nguyễn Huy Dương, Phó Giám đốc CHKQT Nội Bài cho biết: Nhằm hiện thực hóa chủ trương của Chính phủ và Bộ GTVT, cảng đã và đang tập trung vào một số hạng mục, công trình quan trọng. Đó là dự án mở rộng nhà ga T1 có diện tích 15.000m2 về phía đông, gồm 3 tầng, trang bị 41 quầy làm thủ tục hàng không, 4 băng tải hành lý đến, 2 đảo hành lý đi, được kết nối với nhà ga hành khách T1 thông qua 2 hành lang kín, có công suất thiết kế đạt 5 triệu hành khách/năm, tương đương 2.000 hành khách/giờ cao điểm. Dự án có tổng mức đầu tư xấp xỉ 500 tỷ đồng. Kết cấu công trình là thép tiền chế lắp ghép, sử dụng vật liệu nhẹ theo công nghệ mới để tiết kiệm chi phí đầu tư và rút ngắn thời gian thi công. Nhà ga T1 mở rộng sẽ hoàn thành vào tháng 9-2013 để đưa vào khai thác dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2014. Ban đầu, nhà ga T1 mở rộng phục vụ cho cả khách trong nước và quốc tế, nhưng khi nhà ga T2 chính thức đưa vào khai thác, nhà ga T1 sẽ chỉ còn dùng để phục vụ khách nội địa.
Cụm cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN |
Dự kiến ngay trong năm 2012, nhà ga hàng hóa cũng sẽ được đầu tư mở rộng, nâng công suất từ 22.000 tấn hàng hóa/tháng hiện nay lên khoảng 30.000 tấn hàng hóa/tháng.
Nằm trong quy hoạch điều chỉnh của Thủ tướng Chính phủ, dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh 1A dài 3.200m, rộng 45m sử dụng công nghệ vật liệu mới polyme để nâng cao sức chịu tải, được triển khai nhằm đáp ứng tốt tần suất hoạt động của các chuyến bay đi và đến CHKQT. Đồng thời nâng cấp hệ thống đường lăn hiện tại và bổ sung hệ thống đèn tín hiệu cất hạ cánh; mở rộng sân đỗ tàu bay (ra phía NGHK T2) có 24 vị trí đỗ tàu bay, trong đó có 14 vị trí khai thác có cầu hành khách, hệ thống sân đường đủ tiêu chuẩn phục vụ tàu bay A380 và tương đương, tương lai không xa, cảng có khả năng tiếp nhận 45 tàu bay cùng một lúc.
Đề cập đến diện mạo CHKQT Nội Bài vào giai đoạn 2015, không thể không nhắc đến nhà ga T2, được khởi công xây dựng vào cuối năm 2011. Nhà ga T2 được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế, dự kiến hoàn thành vào tháng 11-2014 với tổng mức đầu tư khoảng 70 tỷ yên Nhật (tương đương gần 900 triệu USD); được xây dựng với 4 tầng, chưa kể tầng hầm với diện tích mặt bằng xây dựng xấp xỉ 140.000m2, kiến trúc hiện đại, hệ thống trang thiết bị tiên tiến, công suất thiết kế 15 triệu hành khách/năm. Đến năm 2015, khi các hạng mục công trình này hoàn thành và đưa vào khai thác, Nội Bài sẽ mang một diện mạo mới, hiện đại, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của hành khách.
Không chỉ dừng ở đó, quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ còn giao cho Nội Bài những nhiệm vụ nặng nề hơn, để đến năm 2020 và sau năm 2020 sẽ trở thành sân bay cấp 4F theo tiêu chuẩn ICAO (Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế); xây dựng đường cất hạ cánh thứ 3 có khả năng tiếp nhận 45 máy bay vào giờ cao điểm; đầu tư NGHK T3 và T4, nâng tổng công suất lên 50 triệu hành khách/năm; mở rộng nhà ga hàng hóa công suất 500 ngàn tấn/năm.
Cùng với sự phát triển của CHKQT Nội Bài, nhiều dự án lớn liên quan đang được Chính phủ và các địa phương tập trung triển khai: dự án đường nối cầu Nhật Tân - Nội Bài, rộng từ 80 đến 100m, bảo đảm cho xe chạy với vận tốc 80km/h; đường Vành đai 4 - phía nam quốc lộ 18 dài khoảng 98km, bắt đầu tại Km3+695 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và kết thúc tại Km35+300 trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Khi hoàn thành, chuỗi dự án trên sẽ tạo thành hệ thống giao thông hoàn chỉnh kết nối trung tâm Thủ đô Hà Nội đến Nội Bài và liên kết các đô thị vệ tinh, tạo điều kiện phát triển KT-XH, văn hóa, du lịch Thủ đô và các địa phương. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.