(HNMO) - Tưởng chừng khi NHNN tổ chức đấu thầu bán vàng miếng thì mục tiêu thu hẹp khoảng cách giữa giá kim loại quý trong nước và thế giới được thực hiện. Tuy nhiên, nên nhìn nhận lại vấn đề này...
Đã có hơn 10,1 tấn vàng được "bơm" ra thị trường. Ảnh minh họa |
Sáng 18-4, NHNN tổ chức đấu thầu bán vàng miếng với khối lượng 40.000 lượng. Kết quả, 39.800 lượng vàng được đấu thầu thành công với 14 đơn vị trúng thầu. Giá trúng thầu thấp nhất là 40,73 triệu đồng/lượng, cao hơn 80.000 đồng/lượng so với giá sàn; cao nhất là 40,85 triệu đồng/lượng.
Như vậy, vàng miếng tiếp tục được các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng mua nhiều. Sau 9 phiên, đã có 263.400 lượng vàng, tương đương 10,13 tấn vàng được NHNN “bơm” ra thị trường. Tuy nhiên, có điều băn khoăn là NHNN càng tổ chức đấu thầu thì chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới càng nới rộng.
Chẳng hạn, trước ngày 28-3, ngày phiên đấu thầu đầu tiên được tổ chức, chênh lệch giá chỉ là 2,8 triệu đồng/lượng, nghiêng về giá trong nước thì đến ngày đấu thầu mức chênh lệch này là 3,1 triệu đồng/lượng. Từ đó đến nay, đặc biệt là từ đầu tuần khi mà giá vàng thế có phiên lao dốc mạnh nhất 30 năm qua thì mức chênh lệch nới rộng thêm, lên trên 5 triệu đồng, rồi 6 triệu đồng và hôm nay là mức kỷ lục 7 triệu đồng/lượng.
Không những thế, giá sàn mà NHNN đưa ra ở mức cao, đặc biệt ở phiên đầu tiên, doanh nghiệp và tổ chức tín dụng “choáng váng” khi giá sàn được NHNN phát ra lên tới 43,81 triệu đồng/lượng, cao giá thị trường cùng thời điểm tới gần 400.000 đồng/lượng. Với mức giá “chát” trên, phiên đấu thầu thất bại khi chỉ có 2.000/26.000 lượng được mua. Điều này cũng thật dễ hiểu bởi giá bán buôn cao hơn nhiều so với bán lẻ trên thị trường thì làm sao doanh nghiệp có thể mua! Với mức giá sàn cao đó, tác dụng ngược là giá trên thị trường tăng vọt và nới rộng khoảng cách với thế giới.
Dư luận trở nên xôn xao sau phiên đấu thầu và NHNN đã lên tiếng. Tuy nhiên, cơ quan quản lý này cho rằng mức giá sàn đã được tính toán kỹ và đó là mức giá hợp lý. Không những thế, đại diện của NHNN còn nhấn mạnh, mục tiêu NHNN đấu thầu bán vàng miếng là tăng cung vàng miếng trên thị trường để can thiệp bình ổn thị trường vàng, không nhằm mục tiêu bình ổn giá vàng. Thật là lạ, thị trường làm sao có thể bình ổn khi giá không bình ổn?!
Sau phiên đầu tiên, NHNN đã rút ra kinh nghiệm và ở phần lớn các phiên tiếp đã đưa ra giá sàn sát với giá thị trường hơn, tuy nhiên, vẫn cao hơn hàng triệu đồng mỗi lượng so với giá thế giới. Đấu thầu ở mức giá cao, doanh nghiệp không thể giảm mạnh giá bán trên thị trường bởi còn phải tránh bị lỗ, vì thế mà chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới chưa thể co lại.
Và sau phiên đấu thầu thứ 8, NHNN vẫn khẳng định trong thời gian tới, cơ quan quản lý này sẽ tiếp tục tổ chức các phiên đấu thầu với khối lượng đủ lớn để bình ổn thị trường vàng.
Như vậy, đến thời điểm này, mục tiêu đưa giá vàng trong nước sát với giá thế giới chưa đạt được, dù sao thì mục tiêu cung hàng đã thành công. Và xét về mặt thu ngân sách cho Nhà nước, việc đấu thầu bán vàng đã thu được một lượng ngân sách đáng kể.
Một câu hỏi được đặt ra là có nên tiếp tục đấu thầu bán vàng hay không? Theo TS. Nguyễn Minh Phong thì vẫn phải tiếp tục tổ chức đấu thầu nhằm bảo đảm nguồn cung vì đây là nguồn cung duy nhất của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng trong bối cảnh hiện nay. Còn để đạt được mục tiêu thứ 2, tức là thu hẹp khoảng cách với giá thế giới, NHNN cần điều chỉnh trong các phiên đấu thầu sắp tới bằng cách đưa ra giá sàn thấp và sát với giá thế giới nhằm tránh gây áp lực lên doanh nghiệp kinh doanh vàng và tổ chức tín dụng có quan hệ mua-bán vàng với NHNN.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.