Theo dõi Báo Hànộimới trên

Càng cấm… càng lấn

Nguyên Hoàng| 22/05/2010 07:54

(HNM) - Lấn chiếm kênh, rạch đang trở thành vấn nạn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Hàng loạt sông rạch bị san lấp làm tắc dòng chảy và khả năng tiêu thoát kém gây ngập lụt triền miên.

Lấn chiếm kênh, rạch trên địa bàn quận 8 đang là vấn đề nan giải.


Hơn 70 hộ dân khu phố 2, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức đang sống trong tình trạng lo lắng ngập lụt sẽ xảy ra bất cứ khi nào. Khu phố này giờ đây trở thành một "ốc đảo" do một con rạch thoát ra sông Vĩnh Bình đã bị san lấp làm tắc dòng chảy.

Con rạch cặp theo chân cầu Vĩnh Bình rộng hơn 10m đã có từ lâu, sử dụng vào mục đích tiêu thoát nước cho cả khu vực, với diện tích trên 2.022m2. Thế nhưng, đến năm 2005, diện tích con rạch chỉ còn lại 588m2, phần lớn diện tích con rạch đã bị san lấp để lấy mặt bằng làm sân kho, nhà ở và đến thời điểm này, nơi đây chỉ còn là một mương nhỏ, nước tù đọng. Những người dân khu phố này tố cáo, một số hộ dân đã được "bật đèn xanh" san lấp rạch, xây dựng nhà trên diện tích hàng trăm mét vuông. Không dừng lại ở đây, những hộ dân này còn xây tiếp khu nhà xưởng rộng diện tích cũng lớn như vậy ngay trên con rạch. Bà Nguyễn Thị Mai, người dân sinh sống ở khu phố 2, phường Hiệp Bình Phước cho biết, người dân ở khu vực này rất bức xúc vì khi người dân sửa nhà hay dựng nhà tạm khi chưa kịp xin phép xây dựng thì cán bộ phường kiểm tra, lập biên bản yêu cầu tháo dỡ, còn cả công trình lớn xây dựng cả trăm mét vuông trên đất rạch thì vẫn bình an vô sự.

Điều gây bất bình đối với bà con khi việc sap lấp lấn rạch, xây dựng nhà trên rạch không bị chính quyền xử lý, mà ngày 21-1-2009, UBND quận Thủ Đức còn cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở (sổ hồng) cho căn nhà số 994 đường QL13, có phần lớn diện tích nằm trọn trên con rạch. Trước đây, khu vực này chẳng bao giờ bị ngập vì dù có trời mưa lớn cỡ nào thì nước vẫn chảy theo con rạch tiêu thoát ra sông Vĩnh Bình nên bà con yên tâm trồng trọt, sinh hoạt. Đợt triều cường giữa cuối tháng 3-2010 đã tràn bờ bao sông Vĩnh Bình khiến cho hơn 70 hộ dân bị chìm sâu trong nước.

Thực trạng này đã buộc nhiều doanh nghiệp phải tự cứu mình trong khi chờ đợi có một hệ thống đê bao khép kín được đầu tư xây dựng từ vốn ngân sách. Công ty N.V.T do ông Nguyễn Viết Tạo làm Giám đốc là một trường hợp như thế. Để bảo đảm khu đất 10ha tại phường Hiệp Bình Phước sẽ đầu tư xây dựng nhà ở an toàn, tránh ngập nước, công ty đã lập dự án đầu tư 90 tỷ đồng để làm đê bao kiên cố xung quanh nhằm kết nối với các đoạn đê bao của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng. Đê bao sẽ chạy ven theo hơn 1km bờ sông của dự án khu dân cư, với phần mặt đường đủ rộng để các phương tiện vận tải có thể cơ động dọc bờ sông Vĩnh Bình nhằm ứng cứu người dân nếu có các sự cố xảy ra.

Theo ông Nguyễn Nam Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Phước, căn nhà số 994 đã có kê khai nhà đất theo quy định và đã được cấp số nhà năm 2003. Theo quy trình cấp sổ hồng hiện nay, UBND phường chỉ có chức năng xác nhận hiện trạng còn việc cấp sổ hồng hay không là do UBND quận quyết định. Riêng vấn đề san lấp rạch thì phường mới nắm được thông tin nên cần có thời gian kiểm tra, xác minh.

Trước thực trạng này, Sở TN-MT TP cho biết sẽ thành lập đoàn kiểm tra và sẽ có biện pháp xử lý nghiêm nếu có sai phạm. Thực tế, chỉ tính riêng quận 8 để giải tỏa 1.100 hộ dân lấn chiếm rạch Ụ Cây, dự kiến số tiền để di dời dân cũng hơn 400 tỷ đồng. Và hàng chục dự án chỉnh trang kênh rạch khác như Tân Hóa - Lò Gốm, Tham Lương - Bến Cát, Vàm Thuật… vẫn chưa thể thực hiện dù đã có dự án nhiều năm nay vì TP chưa tìm được nguồn kinh phí để đầu tư. Ngay cả dự án 11 ngàn tỷ đồng xây dựng hệ thống thủy lợi để chống ngập cho khu vực TP Hồ Chí Minh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang nghiên cứu triển khai cũng cho thấy chi phí lớn nhất là giải tỏa nhà dân nằm trong ranh giới an toàn bảo vệ sông, kênh rạch.

Trong nỗ lực nhằm giải quyết triệt để vấn nạn lấn chiếm kênh rạch, mới đây UBND TP đã ban hành chỉ thị quản lý chặt hệ thống sông, kênh rạch trên địa bàn. Trong đó, các ban, ngành chức năng phối hợp cùng các UBND quận, huyện tổ chức lực lượng thường xuyên kiểm tra để phát hiện các trường hợp vi phạm, lấn chiếm trái phép hệ thống sông, suối, kênh, rạch, hồ công cộng. Nếu phát hiện thì xử lý, cưỡng chế tháo dỡ ngay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Càng cấm… càng lấn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.