(HNM) - 29 cảng biển tại TP Hồ Chí Minh vừa cùng ký cam kết với Bộ GTVT trong việc không để xe quá tải trọng
Doanh nghiệp lo lắng
Nói về quy trình siết tải trọng, ông Mai Văn Cự, Giám đốc cảng Tân Thuận cho biết, khi phương tiện vận tải vào cảng phải xuất trình giấy yêu cầu nhận hàng của chủ hàng và giấy đăng kiểm tải trọng của phương tiện. Khi xe vào nhận hàng tại cầu tàu hoặc kho bãi, công nhân xếp dỡ cũng như nhân viên giao nhận chỉ chất xếp và giao nhận đúng tải trọng xe đã đăng ký. Bảo vệ sẽ đối chiếu phiếu xuất hàng và đăng kiểm tải trọng xe khi vào, nếu quá tải thì phải hạ tải mới cho ra khỏi cảng. "Trong trường hợp các bộ phận bảo vệ, giao nhận kho hàng và trực ban hiện trường không tuân thủ đúng quy trình hoặc để xảy ra sai sót sẽ xử lý nghiêm theo quy định", ông Cự nêu rõ.
Siết tải trọng ngay từ cảng là cần thiết nhằm bảo vệ cho cơ sở hạ tầng đường bộ. |
Trước vấn đề này, ông Đỗ Xuân Phú (Công ty TNHH Vận tải Minh Liên, quận Bình Thạnh) cho biết, hàng nguyên đai nguyên kiện (có kẹp chì) nhập từ nước ngoài về, nếu siết tải trọng hàng này thì thiệt thòi cho cả chủ hàng lẫn doanh nghiệp vận tải (DNVT) bởi hàng đúng tải trọng ở nước đó nhưng có thể không đúng tải trọng ở Việt Nam. Còn ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Long Sơn (KCN Tân Bình) cho biết, trung bình mỗi tháng, Công ty Long Sơn nhập khoảng 200 container (tương đương 2.400 container/năm) và xuất khoảng hơn 100 container (đều loại 20 feet hạt điều). Điều đáng nói, tất cả các hàng hóa nói trên đều thông qua cảng Cát Lái. Do đó, nếu việc kiểm soát tải trọng như cam kết gần chắc chắn sẽ gây ùn ứ hàng tại cảng và ảnh hưởng tới uy tín cũng như chuyện kinh doanh của công ty.
Theo luật sư Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh, với hơn 20.000 lượt xe ra vào cảng Cát Lái/ngày đêm và lượng hàng chiếm khoảng 80% so với hệ thống cảng phía Nam, nếu làm không tốt ở khâu kiểm soát tải trọng xe thì chắc chắn câu chuyện kẹt hàng hóa tại cảng sẽ lại tiếp diễn.
Không có ngoại lệ
Sự lo lắng của DNVT không phải không có cơ sở. Tuy nhiên trên thực tế, xe quá tải thời gian qua là nỗi kinh hoàng của người dân khi đường sá bị phá, tai nạn giao thông nghiêm trọng... Mặt khác, cấm xe quá tải đã là "luật" thì không thể vin vào cớ này cớ kia để "đè" trên luật. Bởi vậy, trước kiến nghị của một lãnh đạo cảng về việc cho cảng Cát Lái được "đặc cách" không kiểm tra tải trọng trong trường hợp có xảy ra ùn ứ, một lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, không có chuyện ngoại lệ cho bất cứ cảng nào. Việc kiểm soát tải trọng xe dứt khoát phải làm tận gốc. Các cảng phải chủ động phối hợp và làm đúng quy trình. Nếu tất cả các cảng đều làm nghiêm, lái xe, chủ xe và chủ hàng cũng sẽ phải thực hiện đúng quy định. Bộ GTVT sẽ kết hợp với Bộ Công an và các địa phương để thực hiện quyết liệt, triệt để, đồng bộ trong việc kiểm soát tải trọng ở tất cả các cảng.
Để bảo đảm quy định pháp luật, bảo đảm quyền lợi chính đáng, ông Lê Tấn Tài, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Phương Tài (quận 4) kiến nghị, cơ quan chức năng cần thống nhất trong cách tính tải trọng xe và hàng hóa; cần đồng bộ quy định về tải trọng đối với hàng hóa nguyên kiện từ nước ngoài về; các cảng cần đồng bộ cơ sở hạ tầng cũng như trang thiết bị hiện đại để phục vụ cho việc kiểm tra tải trọng và xả trạm nhanh chóng. Luật sư Thái Văn Chung cũng cho rằng, cái gốc để giải quyết tình trạng này là cơ quan có thẩm quyền cần có quy định thống nhất về trách nhiệm pháp lý đối với lãnh đạo các cảng, chủ tàu, chủ hàng, chủ xe và lái xe, đồng thời có trách nhiệm phối hợp thống nhất để không gây ra tình trạng quá tải ngay tại nơi xuất hàng hóa như xí nghiệp, nhà máy sản xuất, khu công nghiệp - khu chế xuất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.