(HNM) - Thủ tướng Canada Stephen Harper vừa có cuộc cải tổ nội các sâu rộng với việc bổ nhiệm các bộ trưởng trẻ tuổi hơn kết hợp với các bậc tiền nhiệm kỳ cựu, nâng tổng số thành viên chính phủ lên 39 người.
Với hy vọng sẽ thổi luồng sinh khí mới cho bộ máy cầm quyền ở Canada, Thủ tướng S.Harper tuyên bố, nội các mới sẽ là sự kết hợp giữa các bộ trưởng trẻ hơn, nhiều nữ giới hơn, với các nhân vật dày dạn kinh nghiệm. Điều này báo hiệu một sự thay đổi thế hệ, khi ông Harper cố gắng tạo ra một nội các có thể giúp chính phủ tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015. Thực tế, thời gian gần đây, chính trường Canada đã gặp những bê bối về chi tiêu. Việc trợ lý cấp cao của Thủ tướng S.Harper, ông Nigel Wright và Bộ trưởng Hợp tác quốc tế Canada Bev Oda phải từ chức vì liên quan đến những bê bối tài chính là yếu tố không nhỏ khiến cử tri mất niềm tin vào chính phủ. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy, người dân Canada đang cho rằng đảng Bảo thủ là đảng có năng lực nhất, nhưng lại kém trung thực nhất, trái ngược với những đánh giá về lực lượng đối lập là đảng Dân chủ mới (NDP). Mặc dù năng lực là một yếu tố quan trọng để thuyết phục cử tri, nhưng nếu đảng Bảo thủ không ngay lập tức điều chỉnh linh hoạt, cử tri có thể mong muốn thay đổi nhiều hơn. Bên cạnh đó, kinh tế Canada cũng bị ảnh hưởng không ít bởi sự khó khăn của kinh tế thế giới thời hậu khủng hoảng. Báo cáo của Cơ quan Thống kê Canada cho biết, tính trên tổng thể, chỉ có 14.000 công việc mới được tạo ra trong 6 tháng đầu năm 2013, thấp hơn nhiều so với mức 27.000 việc làm của cùng kỳ năm 2012 và tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục đứng ở mức cao 7,1%.
Thế nên, bằng việc cải tổ nội các, Thủ tướng S.Harper muốn chứng tỏ rằng ông có nhiều người giúp việc tài năng. Chính phủ của ông vẫn xác định kinh tế đóng vai trò quyết định trong cuộc bầu cử sắp tới và nội các mới sẽ tạo ra sự ủng hộ mà ông đang cần. Cuộc cải tổ nội các còn cho thấy, đương kim Thủ tướng Canada dường như cũng không có ý định sớm "về hưu" và cuộc "Cách mạng Harper" mà ông khởi xướng sẽ vẫn tiếp tục. Vì vậy, sau hơn hai năm kể từ khi giành được quyền thành lập chính phủ đa số trong cuộc bầu cử hồi tháng 5-2011, hiện là lúc chính quyền đảng Bảo thủ phải thuyết phục cử tri về việc họ có thể làm gì cho người dân Canada và tại sao họ lại xứng đáng giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Với hai mục tiêu chiến lược trong ngắn hạn và dài hạn, trước mắt, cuộc "thay máu" lần này của Thủ tướng Harper là dấu hiệu cho thấy chính phủ đang thay đổi đường hướng chính sách. Nhưng mục tiêu lâu dài là duy trì sự ổn định trong quản lý kinh tế, lấy lại lòng tin của cử tri, một cương lĩnh tranh cử mà đảng Bảo thủ tin rằng sẽ thuyết phục được cử tri trong cuộc bầu cử năm 2015. Một lợi thế của đảng Bảo thủ là cả đảng Tự do lẫn NDP hiện đều chưa thể trở thành đối thủ của họ. Tuy nhiên, hai năm nữa mới đến cuộc tổng tuyển cử sắp tới và khi đó Thủ tướng S.Harper sẽ phải đối mặt với những đối thủ trẻ tuổi, có uy tín cùng nhóm ứng cử viên nghị sĩ giàu kinh nghiệm và ấn tượng của hai đảng trên.
Cuộc cải tổ lần này dù vấp phải sự chỉ trích từ các đảng đối lập nhưng việc cử tri kỳ vọng hơn vào đảng Bảo thủ là điều tất yếu sau hai chính phủ thiểu số và hơn hai năm cầm quyền của chính phủ đa số tại Canada.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.