(HNM) - Trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh, “thẻ thông hành xanh” đang mang đến những tín hiệu tích cực cho đời sống xã hội, đặc biệt là lĩnh vực du lịch.
Đến thời điểm này, việc áp dụng “thẻ thông hành xanh” và sự kỳ vọng cho ngành Du lịch phục hồi là có cơ sở. Bởi thực tế, bằng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mạnh mẽ của các cấp, ngành, dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát tốt tại nhiều địa phương.
Đáng chú ý là số người được tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên toàn quốc đang tăng từng ngày, nhiều địa phương cơ bản hoàn thành việc tiêm chủng mũi 1 cho người từ đủ 18 tuổi trở lên. Hơn thế, những chuyển biến tích cực trong phòng, chống dịch bệnh đã giúp một số địa phương bắt đầu nới lỏng các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, thậm chí đã lên kế hoạch để đón du khách trong trạng thái “bình thường mới”. Bên cạnh đó, với nỗ lực thích nghi bối cảnh dịch bệnh, các đơn vị lữ hành cũng khắc phục mọi khó khăn, xây dựng các phương án để sẵn sàng hoạt động trở lại khi cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Với những điều kiện đang dần thuận lợi, các doanh nghiệp lữ hành, cơ quan quản lý du lịch đều ủng hộ và thống nhất quan điểm cần nghiên cứu áp dụng "thẻ thông hành xanh" để phục hồi thị trường du lịch trong nước, trên cơ sở bảo đảm an toàn, thận trọng và đúng quy định pháp luật. Đề xuất này cũng phù hợp với tình hình thế giới, vì hiện nay nhiều quốc gia đã công bố “hộ chiếu vắc xin”, cho phép công dân sử dụng chứng nhận tiêm chủng để đi du lịch, tham gia các hoạt động có tập trung đông người...
Vấn đề quan tâm hiện nay, là việc cấp “thẻ thông hành xanh” phải dựa trên căn cứ an toàn dịch bệnh ở thời điểm hiện tại cũng như các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả trong dài hạn. Trước mắt, việc đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng Covid-19 đủ hai mũi bao phủ cho người dân từ đủ 18 tuổi trở lên vẫn là yếu tố then chốt, “dữ liệu” quan trọng cho cơ quan chức năng nới lỏng các hoạt động xã hội, đưa cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”, trong đó có việc cấp “thẻ thông hành xanh” cho lĩnh vực du lịch. Song song, việc thực hiện nguyên tắc “5K” của Bộ Y tế cũng cần được người dân, các “điểm đến du lịch xanh” bảo đảm thực hiện nghiêm ở mọi lúc, mọi nơi.
Trong điều kiện cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét thí điểm cấp “thẻ thông hành xanh”, cần xét trên tổng thể cả nước, chứ không nên căn cứ vào từng địa phương. Nói cách khác, cơ quan chức năng cùng các địa phương, nhất là ngành Du lịch cần có tiêu chí cụ thể, thống nhất khi áp dụng “thẻ thông hành xanh”, bao gồm các hoạt động vận chuyển, đi lại, đón khách ở điểm du lịch… Đặc biệt, phải ứng dụng triệt để giải pháp công nghệ vào việc triển khai “thẻ thông hành xanh”, kết nối liên thông với ứng dụng quản lý sức khỏe điện tử của người dân, bảo đảm thông tin là chính xác và duy nhất, hạn chế tình trạng làm giả giấy tờ xác nhận y tế phòng, chống dịch bệnh.
Cùng với việc hướng đến “thẻ thông hành xanh”, ngành Du lịch, các đơn vị lữ hành cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các kịch bản, phương án tái khởi động hoạt động du lịch trong bối cảnh dịch bệnh còn lâu dài. Trong đó, cần quan tâm duy trì, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh xúc tiến du lịch; tăng cường kết nối phát triển tour mới, hấp dẫn, phù hợp với nhiều đối tượng du khách gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh…
“Thẻ thông hành xanh” là cơ sở quan trọng nhất cho du lịch tái khởi động an toàn và phát triển bền vững. Để áp dụng có hiệu quả "chìa khóa" này, rất cần ý thức, trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ và khách du lịch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.