Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần xử lý nghiêm hành vi đưa thông tin sai lệch về dịch Covid-19

Tuệ An| 16/07/2021 14:19

(HNMO) - Ban Quản lý chợ Bình Điền và Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh tại thành phố Hồ Chí Minh đã lên tiếng đính chính những thông tin sai lệch trên mạng xã hội thời gian qua. Những thông tin này làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 của đơn vị và thành phố.

Tài khoản N.T.H.T đưa tin thất thiệt về chợ đầu mối Bình Điền.

Ngày 16-7, Ban Quản lý chợ đầu mối Bình Điền (quận 8, thành phố Hồ Chí Minh) đã lên tiếng gay gắt về việc chủ tài khoản Facebook N.T.H.T đã đăng tải thông tin giả mạo về việc "hàng nghìn người còn ở trong chợ Bình Điền cần được tiếp tế lương thực" và kêu gọi quyên góp từ thiện.

Ban Quản lý chợ đầu mối Bình Điền nêu rõ: Ngày 5-7-2021, Công ty Chợ Bình Điền ra thông báo chính thức đến toàn thể bà con thương nhân và người lao động tại chợ về việc tạm ngưng hoạt động kinh doanh của chợ đầu mối Bình Điền nhằm phục vụ công tác phòng, chống dịch kể từ ngày 6-7-2021 cho đến khi có thông báo mới.

Kể từ 20h00 ngày 6-7, toàn bộ thương nhân, người lao động, khách hàng không được ra vào chợ. Công ty có lập các chốt kiểm soát tại toàn bộ lối ra vào, nhằm thực hiện nghiêm việc tạm ngưng hoạt động chợ Bình Điền theo chỉ đạo của cơ quan chức năng.

Với các trường hợp nghi nhiễm khi thực hiện xét nghiệm diện rộng trước thời điểm tạm ngưng hoạt động, công ty đã xử lý theo đúng quy trình và hướng dẫn của cơ quan y tế địa phương và đã được cách ly theo quy định. Vì vậy, thông tin còn hàng ngàn người ở trong chợ Bình Điền là thông tin không chính xác. Mọi tổ chức, cá nhân đăng tải sai sự thật với bất kỳ mục đích nào đều chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Giấy xét nghiệm của Bệnh viện Vạn Hạnh bị chỉnh sửa kết quả.

Cũng trong ngày 16-7, Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh đã lên tiếng sau khi một tài khoản mạng xã hội đăng bức ảnh tờ kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 có phần kết quả ghi “dâm tính”, gây xôn xao dư luận, bởi cho rằng bệnh viện không kiểm soát được việc trả kết quả xét nghiệm chính xác.

Theo đó, bệnh viện đã điều tra và phát hiện chính người đi xét nghiệm đã chỉnh sửa kết quả kết luận từ “âm tính” thành “dâm tính”, rồi đưa lên mạng để trêu đùa. Bức ảnh đã được chia sẻ khá nhiều trên mạng xã hội, tạo nên dư luận không hay. Người đưa tin sai lệch nêu trên đã thừa nhận hành vi của mình và gỡ bỏ bức ảnh trên mạng xã hội.

Ngày 16-7, UBND huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh cũng lên tiếng phản bác thông tin trên một video clip được Fanpage "Luật sư NVĐ" đăng trên mạng xã hội ngày 15-7, với nội dung: "Người dân Nhà Bè bức xúc bị phong tỏa 20 ngày, không nhận được cứu trợ, nay có 9 xuất, người thân trưởng ấp xơi tất".

Clip được cho là quay trực tiếp tại khu phong tỏa phòng dịch Covid-19 hẻm 197, ấp 4 xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè có nội dung: "Có một số người dân đến gặp Tổ trưởng nhân dân để hỏi rõ về việc không được hưởng hỗ trợ và đã xảy ra tranh cãi".

Chỉ trong một thời gian ngắn, video clip này đã có hơn 164 ngàn lượt xem và 1.500 bình luận xấu độc, quy chụp về cái gọi là "sự vô cảm của chính quyền”…

Lãnh đạo huyện Nhà Bè đã tiến hành xác minh và khẳng định sự thật không như những gì thể hiện trong video clip. Cụ thể, tại địa phương có trường hợp bà Dương Thị Lợm, ở ấp 4 xã Phước Lộc là vợ của ông Nguyễn Văn Minh, Tổ trưởng Tổ nhân dân 3, ấp 4 (ông Minh không phải Trưởng ấp). Bà Dương Thị Lợm làm thuê thu gom rác trên tuyến đường Chánh Hưng thuộc địa phận xã Phước Lộc. Theo quy định thì công việc của bà Lợm thuộc nhóm ngành nghề được hỗ trợ ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Trong số những người tham gia phản ánh có bà chủ nhà trọ tên Hiền đã tập trung một số người thuê trọ khác cùng ra UBND xã thắc mắc về việc nhiều người khác như bà Lợm lại không được nhận tiền hỗ trợ. UBND xã có yêu cầu bà Hiền lập danh sách các hộ dân trong khu trọ để xác minh ngành nghề, kịp thời giải thích. Qua xác minh, những người nằm trong danh sách này không làm việc trong ngành nghề theo danh mục được hỗ trợ, không thuộc diện hưởng trợ cấp. Cơ quan chức năng của địa phương đã giải thích cho bà Hiền hiểu. Bà Hiền nêu lý do ông tổ trưởng tổ nhân dân tại cơ sở giải thích không rõ ràng, nên chưa hiểu đúng về đối tượng được hưởng. Bản thân bà Hiền cũng đã thừa nhận hành vi của mình là không đúng.

Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nên cập nhật thông tin liên quan đến tình hình dịch Covid-19 qua các phương tiện truyền thông, trang thông tin điện tử chính thống của Nhà nước, của thành phố và của ngành Y tế, không vội tin và phát tán các thông tin chưa được kiểm chứng, không đúng sự thật. Các trường hợp vi phạm sẽ bị lực lượng chức năng xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Để cài đặt Bluezone trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần xử lý nghiêm hành vi đưa thông tin sai lệch về dịch Covid-19

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.