(HNM) - Phản ánh tới Đường dây nóng Báo Hànộimới, một người dân xã Lại Thượng (Thạch Thất) bức xúc:
Công trình vi phạm của ông Nguyễn Văn Khởi tại khu Rộc Thúc, xã Lại Thượng. |
Theo khảo sát thực tế của phóng viên Báo Hànộimới chiều 21-2, công trình vi phạm của hộ ông Khởi (nằm trong hành lang bảo vệ đê điều) tại khu đồng Rộc Thúc đã hoàn thành phần xây thô. Để "che mắt" chính quyền và các cơ quan chức năng, gia đình ông Khởi đã "ngụy trang" cho công trình bằng các tấm tôn, vải bạt. Ngay trên thân đê (giáp công trình vi phạm), cốp pha để ngổn ngang, lối xuống công trình được san gạt để tiện cho việc đi lại. Lật lại hồ sơ được biết, từ tháng 3-2012, gia đình ông Khởi bắt đầu đào, quây móng và đổ dầm tại thửa đất số 1056 và 1058, tờ bản đồ số 2, khu Rộc Thúc với diện tích 98m2. Trong phần diện tích vi phạm, có 42m2 đất công do UBND xã Lại Thượng cấp trái thẩm quyền cho gia đình ông Khởi từ năm 2010, tuy nhiên nay đã thu hồi; diện tích còn lại là đất công và đất nông nghiệp do ông Khởi nhận chuyển nhượng lại. Sau khi phát hiện vi phạm, UBND xã Lại Thượng đã lập biên bản, ra quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với hộ ông Khởi, đình chỉ xây dựng và buộc gia đình ông Khởi tháo dỡ công trình vi phạm, khôi phục hiện trạng, nhưng ông Khởi vẫn cố tình không chấp hành. Sau đó, gia đình ông liên tục vi phạm với mức độ ngày càng nghiêm trọng như: Đổ giằng, đổ 13 cột bê tông cốt thép, xây tường gạch cao 2,7m, lợp mái tôn, quây tôn quanh diện tích vi phạm, ghép cốp pha… Đáng nói nhất là đêm 9, rạng ngày 10-2-2014 vừa qua, gia đình ông Khởi tiếp tục đổ bê tông tầng 1 trên toàn bộ diện tích vi phạm.
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Ngọc Long, Phó Chủ tịch UBND xã Lại Thượng cho biết, trước hành vi tái phạm nhiều lần, UBND xã Lại Thượng đã lập biên bản, ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế đối với công trình vi phạm của hộ ông Khởi. Nhưng do công tác chuẩn bị tổ chức cưỡng chế chưa chu đáo, lực lượng cưỡng chế mỏng, hơn nữa gia đình ông Khởi chống đối quyết liệt nên việc cưỡng chế bất thành. Để xảy ra vi phạm nghiêm trọng nêu trên, rõ ràng trách nhiệm thuộc về UBND xã Lại Thượng vì đã không phát hiện kịp thời, xử lý vi phạm không kiên quyết. Thế nhưng, ông Long lại cho rằng, gia đình ông Khởi đã lợi dụng ngày lễ, ngày nghỉ và ban đêm để xây dựng nên chính quyền địa phương không phát hiện kịp thời, khi phát hiện thì công trình đã thành hình, thành khối nên khó xử lý. Trong khi đó, công trình vi phạm chỉ cách trụ sở UBND xã Lại Thượng khoảng 150m (?).
Được biết, sau khi vụ việc xảy ra UBND huyện Thạch Thất đã chỉ đạo các cơ quan chức năng như Thanh tra xây dựng, Phòng TN&MT huyện phối hợp cùng xã Lại Thượng rà soát, hoàn thiện hồ sơ vi phạm để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Hiện tại, cùng với việc hoàn thiện hồ sơ vi phạm, xây dựng phương án cưỡng chế trình UBND huyện phê duyệt, Đảng ủy, UBND xã Lại Thượng tập trung tuyên truyền, vận động gia đình ông Khởi tự giác tháo dỡ công trình vi phạm nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do việc cưỡng chế gây ra. Gia đình ông Khởi đã xin được tự tháo dỡ công trình, hạn cuối cùng là ngày 20-2. Tuy nhiên, đến cuối ngày 26-2, công trình vi phạm trên vẫn chưa được tháo dỡ. Đề nghị UBND huyện Thạch Thất, xã Lại Thượng có biện pháp xử lý nghiêm trường hợp vi phạm này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.