(HNM) - Dư luận thời gian gần đây hết sức quan tâm đến việc bình chọn bãi biển Nha Trang của Tạp chí National Geographic Magazine (Mỹ). Còn riêng với ngành du lịch, sự kiện trên được coi như lời cảnh báo hữu ích về việc khai thác, sử dụng và quản lý tài nguyên thiên nhiên biển.
Không phải là "bãi biển tồi nhất"
Năm 2003, vịnh Nha Trang chính thức trở thành thành viên thứ 29 của Câu lạc bộ Các vịnh đẹp nhất thế giới. Đây cũng là vịnh thứ hai của Việt Nam, sau Hạ Long, có tên trong danh sách các vịnh đẹp nhất toàn cầu. Từ đó đến nay, tỉnh Khánh Hòa nói chung và thành phố Nha Trang nói riêng đã dồn công sức tập trung phát huy thế mạnh du lịch biển, đồng thời đưa thương hiệu du lịch Nha Trang - Khánh Hòa đến du khách trong nước và thế giới. Không chỉ là nơi diễn ra Festival Biển, Nha Trang còn là nơi được chọn để tổ chức các sự kiện văn hóa mang tính quốc tế, các giải thể thao bãi biển, các cuộc thi hoa hậu toàn cầu… Nhờ vậy, lượng khách đến đây không ngừng tăng cao trong những năm qua.
Bãi biển Vinpearl Land (Nha Trang). Ảnh: Linh Tâm |
Giữa tháng 11 này, Tạp chí National Geographic Magazine (Mỹ) đã công bố danh sách 99 bãi biển đẹp nhất thế giới trên website http://www.nationalgeographic.com. Việc bình chọn dựa trên 6 tiêu chí, bao gồm chất lượng môi trường và hệ sinh thái; tính toàn vẹn văn hóa và xã hội; tình trạng của các di tích lịch sử và địa điểm khảo cổ; tính thẩm mỹ; chất lượng quản lý du lịch và tiềm năng phát triển. 340 chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực đã tham gia vào cuộc bình chọn này và kết quả là bãi biển Nha Trang của Việt Nam đã lọt vào danh sách các bãi biển đẹp nhất thế giới với điểm số giành được là 43 trên tổng điểm 84. Trước thông tin về kết quả bình chọn nói trên, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Xúc tiến du lịch tỉnh Khánh Hòa cho rằng, việc Nha Trang lọt vào danh sách 99 bãi biển đẹp nhất thế giới là điều đáng mừng. Thậm chí, so với số điểm mà bãi biển nổi tiếng thế giới Hawai đạt được (45/84 điểm), bãi biển Nha Trang được đánh giá gần ngang bằng.
Tuy nhiên, trong quá trình thông tin về cuộc bình chọn nói trên, một số báo đưa chưa đầy đủ và dùng từ thiếu chính xác về tiêu chí đánh giá. Ở tiêu chí về tính nguyên vẹn, Nha Trang bị xếp vào nhóm có thứ hạng thấp so với các địa điểm khác, chứ không phải bị xếp loại "bãi biển tồi nhất" như một số báo đã đưa. Nếu xét theo tiêu chí này, các bãi biển tự nhiên, hoang sơ được đánh giá cao hơn so với những điểm đã được khai thác để phục vụ du lịch. "Đối với bãi biển Nha Trang, nơi đang được đầu tư, nâng cấp để trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội, du lịch của cả nước thì tiêu chí này rất khó thực hiện. Tuy nhiên, những nhận xét nói trên là cơ hội để cơ quan quản lý xem xét kỹ lưỡng hơn phần việc của mình, để chúng ta có định hướng đúng đắn hơn trong công tác bảo tồn và phát triển du lịch biển bền vững, cả bây giờ và trong tương lai", ông Nguyễn Văn Thành nói.
"Nâng cấp" biển Việt Nam
Xuyên suốt toàn bộ dự thảo chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030 mà Tổng cục Du lịch vừa công bố, việc tạo dựng thương hiệu du lịch biển được nhìn nhận như đòn bẩy quan trọng giúp khai thác tiềm năng biển và đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện hàng đầu khu vực. Tuy nhiên, câu chuyện bình chọn bãi biển Nha Trang chính là lời cảnh báo cho các nhà quản lý tài nguyên biển của nước ta.
Theo đánh giá của PGS - TS Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, những sản phẩm du lịch biển đặc sắc, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế, có thể thu hút khách từ những thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Đức, Mỹ... ở ta chưa được hình thành rõ nét. Trong hành trình du lịch bằng tàu biển trên bình diện khu vực và quốc tế, Việt Nam chưa được xem là điểm đến hấp dẫn. Những khu du lịch biển nổi tiếng ở phía Bắc như Hạ Long, Đồ Sơn, Cát Bà, Sầm Sơn mới là điểm đến quen thuộc của khách nội địa hoặc khách Trung Quốc - được cho là "ít chịu chi" so với khách quốc tế đến từ những thị trường khác. Còn các bãi biển ở Bình Thuận, Ninh Thuận, Phan Thiết, Phú Yên, Nha Trang, Vũng Tàu... thì gần như đã bị "băm nát" bởi hệ thống khách sạn và resort nhỏ. Cả một dải bờ biển hàng nghìn cây số, với vô số bãi biển đẹp, tưởng như không còn nơi nào đủ lành lặn để xây dựng những khu du lịch biển có đẳng cấp quốc tế.
Để tạo dựng thương hiệu cho du lịch biển Việt Nam, ngành du lịch cần có những giải pháp đồng bộ, quy hoạch phát triển du lịch biển gắn với bảo vệ môi trường và đào tạo lại nguồn nhân lực. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng khâu tuyên truyền cho nhân dân địa phương và du khách nhằm nâng cao nhận thức giữ gìn vệ sinh môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa xã hội lành mạnh, an toàn và thân thiện. Bên cạnh đó, để tạo bước đột phá, các tuyến điểm du lịch biển Việt Nam nên mạnh dạn chọn hướng đi riêng, làm sao để vừa tạo ra được sự khác biệt vừa góp phần tạo sự đa dạng cho sản phẩm du lịch biển.
Không chỉ có Nha Trang, các bãi biển trải dài khắp các địa phương trên cả nước cần nhìn lại mình, để từ đó có những giải pháp phù hợp. Có như thế, mới mong nâng tầm biển Việt Nam, mong một nguồn thu ổn định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.