(HNM) - Năm 2012 là năm thành công với ngành lúa gạo và cà phê Việt Nam, khi vươn lên đứng vị trí số 1 thế giới về sản lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, giá trị kinh tế mang lại của hai mặt hàng này lại xếp sau rất nhiều nước có sản lượng xuất khẩu ít hơn.
Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là một trong những biện pháp để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững. Ảnh: Nhật Nam |
Liên kết rời rạc
TS Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết: Đối với hầu hết các loại nông sản, việc mở rộng thị trường tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn và nguyên nhân chính là sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ còn rời rạc. Sản xuất nông sản theo hộ gia đình có quy mô nhỏ lẻ nên gặp khó khăn khi thị trường cần số lượng lớn, chất lượng cao, bảo đảm về quy cách. Tiêu thụ nông sản qua hợp đồng là một trong những hình thức sản xuất, chế biến và tiêu thụ tiên tiến trong nông nghiệp hàng hóa, song đến nay, tỷ lệ lúa hàng hóa chất lượng cao được tiêu thụ qua hợp đồng mới đạt 2,1%, cà phê là 2,5%.
Tại thị trường trong nước, tiêu thụ nông sản luôn là vấn đề nan giải, bởi mạng lưới kinh doanh vừa thiếu, vừa yếu; sự liên kết giữa các chủ thể trong hoạt động từ sản xuất tới tiêu thụ chưa chặt chẽ và thiếu tính bền vững. Hình thức hợp đồng chủ yếu được ký kết ở doanh nghiệp và ngành hàng đã có kinh nghiệm, có vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Phần lớn tại các địa phương, hình thức tiêu thụ này rất hạn chế. Đối với các hộ nông dân và các chủ trang trại, tình trạng không thực hiện qua hợp đồng còn diễn ra phổ biến, nhất là khi thị trường có biến động về giá cả. Hiện mạng lưới trung gian tham gia tiêu thụ hợp đồng hình thành quá nhiều, "hút" phần lớn lợi nhuận chảy vào đây.
Cần có cơ chế hỗ trợ
Theo ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, nông dân và doanh nghiệp tham gia tiêu thụ qua hợp đồng là hướng đi tất yếu của ngành nông nghiệp hàng hóa. Đơn cử như cá tra, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này đều ký hợp đồng tiêu thụ cá nguyên liệu với người nuôi. Sự liên kết đang tạo ra cơ hội mới cho cả người nuôi và doanh nghiệp chế biến. Người nuôi có cơ hội nuôi cá bền vững, có địa chỉ tiêu thụ tin cậy, được hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp về vốn, về khoa học kỹ thuật và đặc biệt được thu mua với giá cả tốt nhất.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Đào Duy Tâm cho biết: Thành phố Hà Nội hiện có 10.670ha sản xuất lúa hàng hóa, nhờ sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, khép kín, được hỗ trợ về giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật nên 100% lúa gạo hàng hóa chất lượng cao được thu mua hết. Ngoài ra, Hà Nội đang đưa nhiều mặt hàng như: quả đặc sản, rau an toàn lên sàn giao dịch quảng bá, giúp các đơn vị tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng.
Thực tế cho thấy, để mối liên kết này được bền vững, cần xây dựng những mô hình sản xuất quy mô lớn. Điều quan trọng là phải có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia, vì nông nghiệp luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong khi giá trị kinh tế không lớn như các mặt hàng công nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.