Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần xây dựng cơ chế giám sát cải cách hành chính

Phong Thu| 04/01/2011 06:26

Quá trình thực hiện cải cách hành chính (CCHC) 10 năm qua đã được các bộ, ngành, địa phương nỗ lực triển khai.


Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa trọn vẹn 9 mục tiêu và 4 nội dung cải cách (cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức và cải cách tài chính công) mà chương trình đã đề ra. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc CCHC chưa được như mong đợi, còn làm người dân bức xúc là việc phải "lót tay" thì mới được việc. Trong một cuộc hội thảo về CCHC được tổ chức cuối năm 2010, nhiều ý kiến cho rằng, nền hành chính của các loại hình dịch vụ công như y tế, giáo dục vẫn còn nhiều hạn chế, song người dân rất khó phát huy vai trò kiểm tra, giám sát. Nguyên nhân là do việc công khai, minh bạch chưa được áp dụng thực hiện đúng yêu cầu ở tất cả các nội dung: thủ tục hành chính; quy trình giải quyết thủ tục; cải cách tài chính công... Nhiều đơn vị, cán bộ cố tình bưng bít thông tin, còn người dân thì thiếu hiểu biết đầy đủ về lĩnh vực chuyên ngành hoặc có biết nhưng ngại ảnh hưởng đến công việc của mình nên đành nín nhịn.

Một nguyên nhân nữa hạn chế vai trò giám sát của người dân là chưa có cơ chế giám sát chặt chẽ quá trình triển khai công cuộc cải cách. Thực tế, Nhà nước đã ban hành nhiều thể chế nhưng việc thực hiện trong cuộc sống chưa triệt để. Người dân vẫn chưa nắm được thông tin về quyền lợi đáng lẽ họ phải được nhận. Cùng với việc thay đổi thói quen "hành dân" của cán bộ, cũng có những ý kiến cho rằng, một điều quan trọng không kém là cần chuyển đổi nếp nghĩ của người dân. Cụ thể, người dân phải từ bỏ nếp nghĩ và hành động cứ đến chốn công quyền là kèm theo "lót tay" cho cán bộ để được việc, bởi như vậy chính là làm "hư" cán bộ.

Như vậy, để nền hành chính công thực sự hiệu quả trong giai đoạn 2011-2020, chương trình tổng thể CCHC nhà nước không nhất thiết mục tiêu nào cũng phải đặt ra cụ thể sẽ đạt được tỷ lệ bao nhiêu. Vấn đề quan trọng là cần có cuộc khảo sát tổng thể để lấy ý kiến người dân về CCHC, lấy đó làm cơ sở để xây dựng nền hành chính đáp ứng những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân; đồng thời xây dựng cơ chế giám sát để người dân mạnh dạn thực hiện trọng trách của mình. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận thức đầy đủ quyền lợi của mình trong nền hành chính công chuyên nghiệp, hiện đại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần xây dựng cơ chế giám sát cải cách hành chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.