Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần vào cuộc với trách nhiệm cao

Võ Lâm| 25/06/2014 06:08

(HNM) - Ngày 24-6, tại Hà Đông, dưới sự chủ trì của Ủy viên BCT, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội giao ban thường kỳ quý II-2014...


Dù đã tạo nhiều chuyển biến, nhưng lĩnh vực này đang đặt ra nhiều yêu cầu cấp bách đòi hỏi các cấp, các ngành phải vào cuộc với trách nhiệm cao.

Dây chuyền xử lý chất thải Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây. Ảnh: Phương Dung

Vẫn còn nhiều tồn tại

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết, riêng khu vực nội thành, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh khoảng 4.200 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom đạt 98-100%. Tuy nhiên, rác thải sinh hoạt phát sinh ở các huyện ngoại thành được thu gom mới chỉ đạt khoảng 85%, tương đương mỗi năm vẫn còn trên 110.000 tấn rác chưa được thu gom. Rác thải công nghiệp mới chỉ thu gom, xử lý được cao nhất là đến 90%, trong đó rác thải công nghiệp nguy hại mới được thu gom, xử lý 60-70%. Thành phố còn 1/8 khu công nghiệp chưa xây dựng xong hệ thống thu gom nước thải tập trung nhưng có đến 35/42 cụm công nghiệp chưa có hoặc chưa hoàn thành trạm xử lý nước thải tập trung. Lượng nước thải sinh hoạt toàn thành phố được xử lý mới đạt gần 24%; nước thải làng nghề gần như chưa được xử lý. Ngoài ra vẫn còn hàng chục bệnh viện, phòng khám chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải.

Ở góc độ khác, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Lê Văn Hoạt nhận định, trong 10 năm qua, nhất là 5 năm trở lại đây, công tác duy trì vệ sinh môi trường thành phố đã có nhiều tiến bộ đáng kể, nhất là đã chuyển từ tập trung, độc quyền của Nhà nước sang xã hội hóa, chuyển từ tập trung ở cấp thành phố sang phân cấp mạnh hơn cho các quận, huyện... bằng phương thức đấu thầu đã tiết kiệm được hàng tỷ đồng ở nhiều phần việc hoặc địa bàn. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch HĐND thành phố cho rằng, phương thức quản lý công tác này của thành phố lại chưa theo kịp tiến trình đổi mới. Hạn chế lớn nhất là các đơn vị vẫn chủ yếu đặt hàng, ít tổ chức đấu thầu thực hiện dịch vụ công ích, nhiều quy trình xác định đơn giá phức tạp, cứng nhắc, không xác định được đơn giá để thanh toán khi sử dụng máy móc giúp giảm chi phí. Theo Phó Chủ tịch HĐND thành phố Lê Văn Hoạt, nhiều quận, huyện chưa hiểu rõ thẩm quyền của mình, coi nhiệm vụ của mình là nhiệm vụ của thành phố. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều dự án trạm xử lý rác thải, nước thải chậm được thực hiện theo quy hoạch.


Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Bá Hoạt

Cán bộ, lãnh đạo phải chuyển biến trước

Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định, xử lý rác thải, nước thải và vệ sinh môi trường là vấn đề quan trọng, bức xúc, có ý nghĩa trước mắt và lâu dài. Bí thư Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp. Làm sao để mỗi người dân đều nhận thức việc giữ gìn vệ sinh môi trường là lợi ích của chính mình. Thực tế hiện nay cho thấy, việc xử lý rác thải, nước thải và vệ sinh môi trường đang gặp nhiều khó khăn về nguồn lực và công nghệ, nhưng những khó khăn về cơ chế, chính sách nằm trong tầm tay giải quyết, các cấp, các ngành phải sớm khắc phục. Ban cán sự đảng UBND thành phố phải nghiên cứu, đánh giá việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch xây dựng hạ tầng trong lĩnh vực trên, kịp thời bổ sung cơ chế, chính sách để thúc đẩy xã hội hóa, tăng cường phân cấp, khắc phục tình trạng thụ động trong bảo vệ môi trường. Đặc biệt, huyện Gia Lâm phản ánh có hiện tượng 4 cơ quan không ai nhận trách nhiệm về nạn đổ rác ra đường là không thể chấp nhận, cần phải làm rõ.

Bí thư Thành ủy chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND thành phố phải thực hiện rà soát, kiểm tra ngay để phát hiện và ngăn chặn tiêu cực trong việc thực hiện các dịch vụ xử lý nước thải, rác thải và vệ sinh môi trường. Với cách ghi đầu xe, đếm số lượng, tính khối lượng kiểu thủ công hiện nay, hoàn toàn có thể xảy ra tình trạng thỏa thuận, ăn chia, khai khống số lượng; đó là chưa kể, không tổ chức đấu thầu mà chủ yếu chỉ định thầu chính là tạo ra cơ chế "xin - cho", là kẽ hở dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực... Bí thư Thành ủy yêu cầu, các cấp ủy, chính quyền, trước hết là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thành phố phải thay đổi nhận thức, xác định trách nhiệm tương xứng trong thực thi các công việc nhằm cải thiện công tác xử lý rác thải, nước thải và vệ sinh môi trường.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần vào cuộc với trách nhiệm cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.