Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần vận động, giáo dục nâng cao ý thức

Bài, ảnh: Nguyễn Thị Hải| 18/02/2016 06:58

(HNM) - Mới đây TP Đà Nẵng, địa phương đầu tiên trên cả nước, thực thi việc phạt tiền, hoặc rút giấy phép kinh doanh các cơ sở tổ chức dịch vụ tang lễ nếu để người dân rải tiền, đồ vàng mã trên đường đưa tang.

Rải tiền, vàng mã trên đường gây lãng phí, ô nhiễm.


Đây là một quyết định dũng cảm, đúng đắn, bởi từ lâu nay, tập tục rải tiền thật mệnh giá nhỏ, cũng như đồ vàng mã trên đường đi đưa tang không chỉ lãng phí tiền bạc, vật chất, mà còn gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường… Chỉ cần làm một phép tính đơn giản, mỗi đám tang trung bình gia chủ phải tiêu tốn khoảng 300-500 nghìn đồng cho việc mua đồ vàng mã để cúng lễ và rải trên đường đi, thì mỗi năm chi phí cho khoản này trên cả nước không hề nhỏ.

Tất nhiên, chi phí mỗi gia đình phải trả, nhưng nhìn rộng ra, đó vẫn là chi phí của Nhà nước, của xã hội. Trong khi lượng giấy bị "hóa vàng" không nhỏ, ở nhiều nơi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, trẻ em vẫn thiếu sách vở, giấy viết. Vì thế, khi chính quyền TP Đà Nẵng đưa ra chủ trương hướng người dân tổ chức tang lễ văn minh và thực thi xử phạt việc rải tiền, vàng mã trên đường khi đưa tang đã nhận được sự đồng tình, không chỉ của người dân nơi đây.

Các tỉnh, thành phố khác cũng cần noi theo TP Đà Nẵng trong việc xử lý các cơ quan, đơn vị tổ chức dịch vụ tang lễ. Việc cấm và xử phạt rải vàng mã sẽ khá thuận lợi để thực thi ở các thành phố, thị xã, thị trấn, bởi ở những nơi này có dịch vụ tang lễ phát triển. Với các vùng thôn quê, vùng sâu, vùng xa - nơi mà đa phần người dân tự tổ chức tang lễ, chính quyền các địa phương cần phải thường xuyên tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho nhân dân để từng bước loại bỏ một hủ tục vừa lãng phí tiền bạc, vừa gây ô nhiễm môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần vận động, giáo dục nâng cao ý thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.