(HNMO) - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhấn mạnh như vậy tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh; công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2019 diễn ra sáng nay (11-6) tại Hà Nội.
Hội nghị kết nối trực tuyến 63 điểm cầu tỉnh, thành phố và gần 700 điểm cầu quận, huyện, thị xã nhằm cập nhật hướng dẫn về các biện pháp chuyên môn, kỹ thuật cụ thể cho các tuyến tỉnh, huyện, xã theo hướng “cầm tay chỉ việc”, tập trung vào hướng dẫn: Kỹ thuật giám sát, xử lý và phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng; cập nhật phác đồ điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết cho trẻ em và phác đồ điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết cho người lớn; tiêm chủng an toàn và hướng dẫn xử lý, cấp cứu các trường hợp tai biến sau tiêm chủng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, việc truyền thông về phòng bệnh rất quan trọng. |
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay, tình hình dịch bệnh trên thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp. Bệnh sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng tiếp tục ghi nhận số ca mắc cao, gây ảnh hưởng nặng nề nhất ở khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương; bệnh sởi vẫn ghi nhận mắc tại 181/194 quốc gia và vùng lãnh thổ, số ca mắc sởi trên toàn cầu đã tăng 300%, bùng phát mạnh tại nhiều quốc gia như Mỹ, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có nhiều quốc gia trước đây đã công bố loại trừ bệnh sởi.
Ở trong nước, thời tiết nắng nóng bất thường và mưa là điều kiện thuận lợi khiến bệnh sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng. Bên cạnh đó, nắng nóng cũng làm gia tăng số ca mắc bệnh tay chân miệng, viêm màng não, viêm não Nhật Bản... Vì vậy, người đứng đầu ngành Y tế cho rằng, cần phải truyền thông chủ động phòng bệnh rồi mới đến chữa bệnh, thông tin kịp thời về dịch bệnh và biện pháp phòng bệnh để người dân thực hiện.
Về điều trị, Bộ trưởng lưu ý bài học về dịch sởi năm 2014 là bài học xương máu về lây nhiễm chéo. Vì vậy, các bệnh viện phải phòng lây nhiễm chéo, phân luồng, phân tuyến, cách ly trong điều trị; tránh chẩn đoán nhầm hoặc bỏ sót ca bệnh nặng.
Liên quan đến tiêm chủng, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, tiêm chủng là một trong những biện pháp quan trọng nhất để dự phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nhờ tiêm chủng mà nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được thanh toán, loại trừ hoặc khống chế. Tiêm vắc xin luôn có phản ứng. Để an toàn tiêm chủng, các đơn vị phải thực hiện nghiêm quy trình tiêm chủng, đặc biệt là khám sàng lọc tiền sử của trẻ thật kỹ.
Hiện nay, công tác phòng, chống dịch bệnh còn nhiều khó khăn, do các bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh; hoạt động phòng, chống chủ yếu dựa vào sự tham gia của cộng đồng, ý thức tự phòng bệnh của người dân…
Ngoài ra, cũng còn các nguyên nhân chủ quan như: Khó khăn trong quản lý đối tượng tiêm chủng, một số địa phương có lúc, có nơi chưa thật sự vào cuộc quyết liệt, còn phó mặc cho ngành Y tế; một bộ phận người dân chưa hợp tác với chính quyền, ngành Y tế trong phòng, chống dịch, chưa có ý thức chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, loại trừ các ổ lăng quăng (bọ gậy), chưa đưa con, em đi tiêm chủng đúng lịch theo hướng dẫn...
Năm 2019, Bộ Y tế xác định phòng, chống dịch bệnh tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm và đã ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu năm. Nhờ đó, công tác chỉ đạo và quản lý tiêm chủng có nhiều đổi mới.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh - Các gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, thực hiện đúng các hướng dẫn của cán bộ y tế về chăm sóc, theo dõi các phản ứng sau tiêm chủng. Các bà mẹ cần chủ động thông báo về tình trạng sức khỏe hiện tại của con mình như trẻ đang bị ốm, đang dùng thuốc, tiền sử dị ứng đặc biệt có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, phát ban, sưng nề vùng tiêm. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.