Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cẩn trọng với ''sốt'' đất ven sông Hồng

Nhóm phóng viên| 20/03/2021 06:09

(HNM) - Ngay sau khi có thông tin thành phố Hà Nội sắp phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, giá đất ở, đất vườn tại các khu vực liên quan đã rục rịch tăng "nhiệt", có nơi tăng gấp 2 lần do các môi giới bất động sản "thổi" giá. Trước thực trạng này, các chuyên gia bất động sản và cơ quan chức năng cảnh báo người dân cần cẩn trọng, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định đầu tư.

Một biển rao bán đất được treo tại phố Bắc Cầu (quận Long Biên). Ảnh: Lan Nhi

Giá tăng chủ yếu do đầu cơ

Khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại một số quận, huyện liên quan đến Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, như: Tây Hồ, Ba Đình, Đan Phượng, Đông Anh... cho thấy, thông tin đầu tiên các môi giới bất động sản đề cập tới là các vị trí nhà đất đón quy hoạch sông Hồng đang tăng giá từng ngày, nếu không “đi trước, đón đầu” sẽ không còn cơ hội để mua.

Anh Nguyễn Thanh Tùng, nhân viên môi giới Công ty cổ phần tập đoàn Nhà phố Việt Nam (quận Đống Đa) cho biết, đất khu vực thôn Xuân Canh (xã Xuân Canh, huyện Đông Anh) tăng gấp đôi. Trước đây đất thổ cư chỉ có giá 15-16 triệu đồng/m2, nay đã có lúc được trả giá gần 30 triệu đồng/m2. Nhà đất tại khu vực gần Công viên Tàm Xá tăng 5-15 triệu đồng/m2 tùy vị trí. "Giá đất thổ cư ở Đông Anh tăng cao, vì theo Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, đây là khu vực được phát triển đô thị mới với mật độ cao nhất so với các quận, huyện khác", anh Tùng thông tin.

Trong vai người đi mua đất, chúng tôi tìm đến các xã: Hồng Hà, Liên Hà, Liên Trung (huyện Đan Phượng). Vừa nói qua nhu cầu, “cò” đất ở các xã này đã nhiệt tình chào mời bằng hàng loạt các thông tin “có cánh”, như: Khu vực này sát đường Vành đai 4 kết nối với các khu vực thuộc phân khu đô thị S1, S2, GS; đất thổ cư trong làng theo trục hành lang xanh của quy hoạch có tính thanh khoản cao…

Khảo sát thêm tại các quận Tây Hồ, Ba Đình, tình trạng giá đất "tăng nhiệt" cũng đang diễn ra. Nhà đất tại khu vực ngõ 76 phố An Dương (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ) hay phố An Xá (phường Phúc Xá, quận Ba Đình)... thu hút khá nhiều người quan tâm đón đầu quy hoạch phân khu sông Hồng. Tại đây, các "cò" đất đều đưa ra bảo đảm, 100% thửa đất ở khu vực này đều được phép xây dựng, được cấp điện, nước.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Hà Quang Hưng cho biết, thời gian qua, có hiện tượng tăng giá cục bộ tại một số khu vực thuộc huyện Hoài Đức với mức giá 25-30 triệu đồng/m2, tăng 50% so với năm 2019; các huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên cũng tăng 20-30% so với năm 2019. Song, theo đánh giá của các đơn vị nghiên cứu thị trường, việc tăng giá mạnh và cục bộ chủ yếu do các nhà đầu cơ lợi dụng các yếu tố, như: Chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng..., gây nhiễu loạn thông tin nhằm thu lợi bất chính.

Người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi mua đất ở khu vực ven sông Hồng. Ảnh: Thành Nam

Xử lý nghiêm hành vi “thổi” giá

Liên quan đến tình trạng "sốt" đất tại một số khu vực trên địa bàn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Ba Đình Nguyễn Hồng Phong cho biết, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5.000 mới là bước đầu. Hiện, quận Ba Đình chưa điều tra, khảo sát tình trạng đất khu vực quy hoạch sông Hồng nên chưa có mốc giới cụ thể. Người dân cần thận trọng trước khi đầu tư.

Trong khi đó, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đan Phượng Bùi Văn Hoa khuyến cáo, người dân nên chờ quy hoạch chi tiết do thành phố phê duyệt, không nên đầu tư theo kiểu nghe ngóng; cần tìm hiểu kỹ thông tin quy hoạch tại địa phương, tình trạng pháp lý bất động sản, giá trị sử dụng đất... Thực hiện theo quy định của luật, các cơ quan chức năng huyện Đan Phượng sẽ công khai các quy hoạch khi được phê duyệt, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn thông tin chính thống; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi “thổi” giá, chuyển nhượng nhà đất sai quy định...

Còn theo Giám đốc cấp cao Công ty TNHH Savills Việt Nam Sử Ngọc Khương, "sốt" nhà đất là do hiệu ứng đám đông khi nhiều cá nhân có nhu cầu mua và đẩy giá lên cao; giá trị nhà đất không phản ánh giá trị và nhu cầu thực tế mà được dựa trên những thông tin không rõ ràng, thậm chí đồn thổi. Trong các cơn "sốt" đất thì nhu cầu không nhằm mục đích sử dụng mà chủ yếu là đầu cơ, hưởng chênh lệch giá. Để tránh xảy ra “bong bóng” nhà đất, các cấp chính quyền cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân; xử lý nghiêm hành vi “thổi” giá nhà đất trên địa bàn...

Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Hà Quang Hưng thông tin, nhằm quản lý, ổn định thị trường bất động sản, trong năm 2021, Bộ Xây dựng sẽ xây dựng cơ chế nhằm giảm thiểu sự mất cân đối trong cơ cấu sản phẩm của thị trường bất động sản; tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát thị trường bất động sản, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng thông tin quy hoạch, nâng cấp đơn vị hành chính, chủ trương đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật lớn… để làm giá, đẩy giá bất động sản nhằm thu lợi bất chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cẩn trọng với ''sốt'' đất ven sông Hồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.