Hội chứng ADHD có ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của trẻ nhưng lại rất khó để phát hiện trong những năm đầu đời.
Cùng nghe Bác sĩ Thái Thanh Thủy - Trưởng khoa Tâm lý Trẻ em - Bệnh Viện Nhi Đồng 2 giải đáp thắc mắc về hội chứng thiếu tập trung ở trẻ.
Hỏi: Con tôi đã được 4 tuổi. Theo như các thông tin mà tôi tìm hiểu được trên mạng thì con tôi có rất nhiều triệu chứng gần với hội chứng thiếu tập trung và hiếu động thái quá. Tôi muốn biết triệu chứng này liệu có mang lại hậu quả xấu đến với việc tiếp thu và học hỏi sau này của bé hay không? (Phương – Bình Dương)
Trả lời: Chào bạn Phương, hội chứng thiếu tập trung và hiếu động thái quá ADHD (Attention Deficit Hyperactivity Disorder) là bệnh lý thường gặp chiếm tỉ lệ 3-6% ở trẻ em. Rối loạn này thường khởi phát sớm và kéo dài với các biểu hiện như: hoạt động quá mức, khó kiểm soát hành vi, kém khả năng tập trung chú ý gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt, học tập và trong các mối quan hệ xã hội.
Những biểu hiện của ADHD:
+ Sự hoạt động thái hóa: Trẻ hoạt động liên tục, múa tay chân, chạy nhảy leo trèo, không ngồi yên một chỗ, thường xuyên chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác…
+ Sự tập trung chú ý kém: khó khăn trong việc duy trì khả năng chú ý trong học tập, làm việc, sinh hoạt hàng ngày và ngay trong lúc vui chơi.
+ Phối hợp, kiểm soát động tác kém. Trẻ hoạt động mang tính chất xung động tức thì, thường hay gây ồn ào, làm phiền người khác quá mức.
+ Những rối loạn hành vi khác đi kèm theo như: rối loạn giấc ngủ (thường là trẻ rất khó đi vào giấc ngủ), rối loạn lo âu...
Các rối loạn này có thể nhiều hay ít tùy thuộc vào từng trẻ và môi trường xung quanh tác động đến trẻ. Các rối loạn nêu trên xảy ra ở mọi nơi (ở nhà, trường học, bệnh viện, nơi công cộng…), trong mọi hoàn cảnh, trong tất cả các mối quan hệ trong khoảng thời gian kéo dài ít nhất 6 tháng.
Khi trẻ còn nhỏ thường rất khó phân biệt bởi các rối loạn thể hiện qua các hoạt động rất bình thường của trẻ, vì vậy cha mẹ phải thực sự chú ý mới phát hiện được sớm và biện pháp cải thiện sớm đó là bổ sung dưỡng chất cho não với hàm lượng đúng như DHA, Cholin song song với hướng dẫn trẻ tham gia các trò chơi rèn luyện khả năng tập trung chú ý .
Các nghiên cứu cho thấy trong giai đoạn đầu đời, khả năng tập trung của trẻ là vấn đề then chốt, ảnh hưởng đến tư duy và tương lai của trẻ về sau. Nếu khả năng tập trung của trẻ trong giai đoạn này không tốt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng ghi nhớ của trẻ, dẫn đến việc trẻ tỏ ra lơ là và không thể học tập tốt, gây hậu quả trực tiếp lên việc phân tích và xử lý tình huống sau này.
Những trường hợp này xảy ra rất nhiều ở trẻ nhỏ và khiến cho nhiều bậc phụ huynh buồn phiền khi thấy con mình học trước quên sau, thậm chí không thể giải nổi những bài toán đơn giản chỉ vì không tập trung nghe giảng, có thành tích học tập thua kém bạn bè do không đủ khả năng tiếp thu trọn vẹn bài giảng trên lớp… Càng kéo dài về sau thì việc thiếu tập trung kể trên sẽ mang lại kết quả không tốt cho công việc, sự nghiệp cũng như cuộc sống của trẻ lúc trưởng thành, vì trẻ sẽ dễ trở nên tụt hậu so với các bạn đồng trang lứa, không đủ sức để theo đuổi các hoạt động mang tính chất tập trung cao và bỏ lỡ rất nhiều cơ hội học vấn cũng như khó thăng tiến trong sự nghiệp ở những vị trí tốt, đòi hỏi khả năng phân tích và bao quát như nhóm trưởng, quản lý, giám đốc…
Hội chứng ADHD có ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của trẻ nhưng lại rất khó để phát hiện trong những năm đầu đời. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần kiên trì quan sát đến những biểu hiện tưởng chừng như bình thường nhất của con trong khoảng 4 năm đầu tiên của cuộc đời, cần đặc biệt để tâm đến các dấu hiệu mang tính thường xuyên như hay lơ đãng, không thể ngồi yên 1 lát, làm việc gì cũng nóng vội, không chịu được sự chờ đợi… Nếu tần suất xuất hiện của các dấu hiệu này ngày càng nhiều (kéo dài khoảng hơn 6 tháng) thì cần đưa con bạn đến gặp Bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để nhận được sự chia sẻ và hướng dẫn tốt nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.