(HNM) - Theo bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh, nguy cơ bùng phát dịch tiêu chảy cấp vào những ngày trong và sau Tết Nguyên đán Tân Mão là rất lớn. Bởi ngoài mầm bệnh tả đang tồn tại trong môi trường thì còn do tác động bởi thời tiết và những sinh hoạt, ăn uống, vui chơi trong những ngày Tết mang lại.
Khoa Tiêu hóa bệnh viện Nhi đồng 2 những ngày giáp Tết vẫn đông bệnh nhi. |
Hiện TP Hồ Chí Minh bắt đầu bước vào mùa hanh khô, nắng nóng đang là điều kiện tốt để dịch tiêu chảy cấp có nguyên nhân từ vi khuẩn tả phát triển. Trước đó, một ổ dịch tả đã xuất hiện ở ấp 1, xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh) suýt cướp đi sinh mạng của 3 cháu bé cho thấy tín hiệu không tốt về tình hình dịch tả tại TP. Dù hiện nay ổ dịch này đã được khống chế, nhưng mầm bệnh vẫn còn tồn tại, cộng với một số ca mắc tả nằm rải rác ở huyện Thủ Đức, đang thực sự là mối đe dọa. "Nếu trong dịp Tết một lượng lớn thực phẩm tươi, sống đổ về TP không được kiểm tra, giám sát chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), người chế biến, tiêu dùng không tuân thủ các quy định VSATTP thì nguy cơ bùng phát dịch tả là rất lớn. Nếu để xảy ra dịch tả trong dịp Tết thì mức độ lây lan sẽ rất nhanh, vì thời điểm Tết thường diễn ra các hoạt động liên hoan, tụ họp gia đình để sinh hoạt và nhất là các điểm vui chơi, giải trí có kinh doanh ăn uống. Khi đó, chỉ cần một người mắc bệnh là có thể lây lan cho cả cộng đồng" - Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ cảnh báo. Cũng theo bác sĩ Thọ, trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao. Phần lớn trẻ mắc bệnh tiêu chảy cấp do virut thường xảy ra vào mùa đông - xuân trong dịp Tết. Tiêu chảy cấp do vi khuẩn thường có sốt cao, có khi co giật, phân có nhiều nhày, có khi có mũi hoặc máu. Ngược lại, tiêu chảy cấp do virut thường nôn rất nhiều, phân lỏng và khối lượng nhiều, không có máu, mũi hay nhày. Ngày Tết, trẻ còn có thể bị tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm, thường có biểu hiện nôn, tiêu chảy, đau bụng quặn... Hậu quả nghiêm trọng nhất do tiêu chảy cấp ở trẻ em là mất nước và điện giải, trường hợp nặng có thể gây tử vong nếu không cứu chữa kịp thời.
Bên cạnh đó, một nỗi lo lớn khác dẫn đến dịch tả là nguồn nước mà người dân sử dụng. Bác sĩ Lê Trường Giang - Phó Giám đốc Sở Y tế TP cho biết, hiện TP còn gần 25% hộ dân không được sử dụng nước máy và thiếu nước máy. Nhiều hộ trong số này phải sử dụng nước chưa rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm định chất lượng. Đối với nguồn nước sử dụng không phải là nước máy, dù đã được Sở Y tế TP chỉ đạo các trạm y tế xã - phường cung cấp đủ lượng cloramin B để các hộ dân khử khuẩn nhưng việc khử khẩn này cũng chưa có gì bảo đảm trở thành nước sạch theo đúng tiêu chuẩn. "Sử dụng cloramin B để khử khuẩn chỉ có thể bảo đảm tiêu diệt vi khuẩn, chứ không bảo đảm về mặt hóa lý, các loại tạp chất độc hại nếu có sẽ không thể xử lý được" - ông Giang thừa nhận.
Trước nguy cơ dịch tả có thể bùng phát trong dịp Tết, Sở Y tế TP đã khuyến cáo người dân nên dự trữ thức ăn trong những ngày này, không sử dụng thực phẩm chế biến sẵn không rõ nguồn gốc, không an toàn. Thức ăn phải được nấu chín, nước uống phải đun sôi, hạn chế sử dụng thức ăn hàng rong… Cũng theo Sở Y tế, ngoài dịch tả thì cúm cũng là bệnh dễ bùng phát thành dịch trong dịp Tết. Dù vào thời điểm này, virut cúm không phát triển nhanh nhưng lại tồn tại trong môi trường khá lâu, khó bị tiêu diệt. Đây chính là cơ hội để virut này tấn công vào con người. Do đó, khi đến các tụ điểm vui chơi, giải trí trong dịp Tết, người dân nên hạn chế tiếp xúc gần, tránh tiếp xúc với những đối tượng nguy cơ (người già, trẻ em, phụ nữ mang thai…), tốt nhất là nên mang khẩu trang. Tuy nhiên cũng có một yếu tố thuận lợi khách quan, khiến ngành y tế TP tin tưởng sẽ khống chế được dịch tả. Bởi thời điểm Tết cũng là lúc phần lớn những người dân nhập cư ở TP đổ về quê đón Tết, nên lượng người ít, khách đến các điểm vui chơi, giải trí giảm nên nguy cơ lây lan cho cộng đồng rất thấp, chủ yếu là lây lan trong gia đình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.