(HNM) - Trước tác động của biến đổi khí hậu, dự báo năm nay sẽ xuất hiện nhiều cơn bão tần suất mạnh kèm theo mưa lớn. Trong khi đó, hàng nghìn vụ xâm hại đê điều, công trình thủy lợi và nạn hút cát trái phép vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Sự an toàn của các tuyến đê đang trở thành vấn đề bức xúc.
Ẩn họa không thể coi thường
Việc tu bổ các tuyến đê từ cấp I đến cấp IV, đặc biệt là 20 tuyến đê chính (dài gần 470km) bảo vệ Thủ đô về cơ bản đã hoàn thành. Tuy nhiên, một số vị trí xung yếu trên tuyến đê hữu Hồng; cống Liên Mạc; cụm công trình cống qua đê Yên Sở; đê, kè Gia Thượng, Thanh Am, Xuân Canh, Đổng Viên và nhiều vị trí sạt lở trên các tuyến đê vẫn là những ẩn họa khó lường trong mùa lụt bão năm nay. Với mỗi vị trí này, rất cần phương án cụ thể để chống đỡ sự cố bất thường. Chưa kể lũ rừng ngang, lũ quét nhiều khả năng xảy ra ở khu vực ven núi huyện Mỹ Đức, vùng Hữu Bùi thuộc huyện Chương Mỹ và các xã miền núi Ba Vì và Sóc Sơn. Vì vậy, các cơ quan hữu trách cần đưa ra các phương án cụ thể, quyết liệt chỉ đạo việc khẩn trương sơ tán người, tài sản, tìm kiếm cứu nạn, chống úng ngập khi có sự cố.
Công ty CP Du lịch - Xây dựng Bình Minh thi công kè Cổ Đô (huyện Ba Vì). Ảnh: Thái Hiền |
Ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội cho biết, để bảo vệ vững vàng các tuyến đê, Chính phủ, Bộ NN&PTNT và TP Hà Nội đã dành 180 tỷ đồng (nguồn vốn kế hoạch năm 2010) tập trung đầu tư tu bổ các dự án phòng chống lũ, chống sạt lở, đồng thời phân cấp đầu tư kinh phí hàng trăm tỷ đồng cho các địa phương. Đến thời điểm này, các dự án PCLB năm 2010 đã cơ bản hoàn thành. Việc kiểm tra, đánh giá toàn bộ hiện trạng đê điều, hồ đập, trạm bơm, công trình thủy lợi, lên các phương án dự báo thiên tai và kiểm kê vật tư dự trữ trước mùa lụt, bão đang được tiến hành khẩn trương. Nhưng đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong công tác phòng chống lụt, bão năm nay. Điều khiến người dân và cơ quan quản lý lo ngại là hệ thống đê với những yêu cầu về thiết kế, đầu tư còn hạn chế, một số công trình thủy lợi xây dựng từ lâu xuống cấp, hệ thống kênh mương bị bồi lắng, ách tắc ảnh hưởng đến tiêu nước, nếu xảy ra những biến cố bất thường sẽ không đáp ứng được yêu cầu chống lũ. Trong công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống lụt, bão, một số địa phương còn xem nhẹ, chưa linh hoạt, vẫn còn tư tưởng chủ quan, ỷ lại, trông chờ cấp trên.
Nhiều vi phạm chưa được xử lý
Tình trạng vi phạm, lấn chiếm xâm hại đê điều trên địa bàn thành phố vẫn là vấn đề "nóng". Thống kê mới nhất của Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội cho thấy, trên 20 tuyến đê chính với tổng chiều dài gần 470km đang tồn tại 4.700 trường hợp vi phạm Pháp lệnh Đê điều, trong số đó có 60 trường hợp vi phạm phát sinh từ đầu năm đến nay. Các vi phạm phổ biến như xây nhà kiên cố trên mái đê và cơ đê, cải tạo nhà trong khu vực bãi sông, đào đất, xẻ đê, xây tường chắn, dựng lều quán bán hàng trên mặt đê, mái đê; đào ao, đào đất, làm mất tầng phủ gây mất ổn định cho đê... tập trung trên địa bàn các huyện Ứng Hòa, Đan Phượng, Ba Vì, Phúc Thọ... Riêng 36km đê tả Đáy qua địa bàn huyện Ứng Hòa, tập trung hơn 40% tổng số vụ vi phạm về Luật Đê điều.
Ông Đỗ Đức Thịnh bức xúc, tình hình vi phạm Luật Đê điều trên địa bàn huyện Ứng Hòa nói riêng và thành phố nói chung chưa được xử lý triệt để. Những năm qua, các địa phương cũng rầm rộ ra quân xử lý, ngăn chặn vi phạm, song đến nay, tình hình vi phạm vẫn chưa được khắc phục. Bên cạnh đó, tình trạng khai thác cát trái phép trên tuyến sông Hồng, sông Đuống và sông Đà đoạn chảy qua Hà Nội nhiều năm qua, đặc biệt từ đầu năm đến nay làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở đê điều ảnh hưởng tới hành lang thoát lũ... Trong 3 tháng đầu năm, Phòng Cảnh sát Giao thông đường thủy, Công an Hà Nội đã xử lý hơn 110 trường hợp khai thác cát trái phép trên các tuyến sông nhưng vẫn chưa ngăn chặn được tình trạng này. Theo ông Đỗ Đức Thịnh, nếu không quyết liệt ngăn chặn, xử lý nạn "cát tặc" và vi phạm đê điều, không ai có thể dám chắc cho sự an toàn của các tuyến đê trong mùa lụt, bão năm nay.
Rà soát, kiểm tra hồ, đập nước trước mùa mưa bão (HNM) - Bộ NN&PTNT vừa ban hành Chỉ thị 1250/CT-BNN-TCTL về việc bảo đảm an toàn hồ chứa trong mùa mưa lũ 2010. Chỉ thị nêu rõ, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các ngành, địa phương kiểm tra toàn diện hồ chứa nước và ưu tiên sửa chữa, nâng cấp đối với hạng mục công trình không an toàn, bảo đảm năng lực chống lũ trong mùa mưa bão 2010. Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố phía bắc và khu vực Tây Nguyên phải hoàn thành việc sửa chữa, nâng cấp hồ, đập trước ngày 31-5-2010. Khẩn trương rà soát, bổ sung các quy định, quy trình điều tiết hồ, quy trình vận hành hệ thống, xây dựng phương án phòng chống lũ (kể cả phương án di dân vùng hạ du đập) cho các hồ chứa lớn và các hồ có nguy cơ mất an toàn, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hữu Hoài |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.