(HNM) - Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương nhận định, trong tháng 6 và 7-2016, tổng lượng mưa tại Bắc và Bắc Trung Bộ phổ biến thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 20% đến 60%.
Cùng với đó, thời điểm bắt đầu mùa bão trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương đến muộn và tính đến thời điểm hiện tại số lượng hoạt động của bão trên khu vực này ít hơn so với TBNN. Theo nhiều chuyên gia, hệ quả của quá trình chuyển pha Enso (là hiện tượng giao động thời tiết giữa El Nino và La Nina) đối với khí hậu, thời tiết là rất khó lường, cần cẩn trọng.
Thời tiết diễn biến phức tạp
Trong tháng 6 và 7 vừa qua thời tiết không có gì bất thường. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, 2 tháng qua nhiệt độ trung bình toàn quốc phổ biến cao hơn TBNN 0,5-2 độ C, khu vực phía Bắc có nền nhiệt độ cao hơn so với khu vực phía Nam. Các đợt nắng nóng tại các khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ không gay gắt, thời gian ảnh hưởng không kéo dài như năm 2015 (mỗi đợt trung bình 3-7 ngày). Còn lượng mưa, tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến thiếu hụt so với TBNN 20-60%. Riêng một số nơi ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình có lượng mưa cao hơn so với TBNN 30-60%.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 7 đến nay đã xuất hiện 3 cơn bão hoạt động trên khu vực Biển Đông. Cơn bão số 1 (có tên quốc tế là Mirinae) đã đổ bộ vào khu vực Thái Bình - Ninh Bình gây thiệt hại nặng nề. Cơn bão số 2 (tên quốc tế là Nida), tuy đổ bộ vào Hồng Kông (Trung Quốc) và suy yếu thành một vùng áp thấp, di chuyển hướng về phía biên giới Việt - Trung. Nhưng hoàn lưu bão đã gây ra một đợt mưa lớn diện rộng ở Bắc Bộ với lượng mưa từ 150 đến 250mm, một số nơi có mưa lớn trong thời đoạn ngắn như Bát Xát, Sa Pa (Lào Cai); Hà Giang; Cấm Sơn (Bắc Giang); Ninh Bình... gây sạt lở nghiêm trọng, lũ, lũ quét đã hình thành trên những dòng sông, suối...
Bình luận về hiện tượng này, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia nói: "Không chỉ có mưa đá, tuyết rơi… sẽ còn nhiều biểu hiện bất thường về thời tiết nguy hiểm diễn ra mà chúng ta khó có thể nhận định trước. Dưới tác động của El Nino, nhiều khả năng số lượng bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam trong năm 2016 tương đương hoặc ít hơn so với trung bình hằng năm, nhưng bão cường độ mạnh sẽ nhiều hơn”.
Đề phòng thời tiết nguy hiểm
Xu thế thời tiết, đặc biệt trong tháng 8 này - tháng chính của mùa mưa tại khu vực Bắc Bộ sẽ chịu sự tác động chủ yếu của dải hội tụ nhiệt đới, hoặc các nhiễu động từ phía Đông di chuyển vào gây ra các đợt mưa lớn ở các tỉnh Bắc Bộ và có thể mở rộng xuống khu vực Bắc Trung Bộ. Đối với bão và áp thấp nhiệt đới, dù các phân tích, dự báo mới nhất cho thấy khả năng bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông sẽ ít hơn TBNN (TBNN khoảng 12-13 cơn/năm), nhưng mức độ và cường độ chưa thể lường hết được. Trong khi đó, nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, lượng mưa tại khu vực Bắc Bộ trong tháng 8, 9 ở mức cao hơn TBNN 5-15% (các đợt mưa lớn sẽ còn xuất hiện trong thời kỳ nửa cuối tháng 8 và trong tháng 9). Từ giữa tháng 8 đến tháng 10-2016, trên các sông Bắc Bộ có khả năng xuất hiện 2-3 đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông phổ biến tương đương đỉnh lũ năm 2015, xuất hiện trong nửa cuối tháng 8-2016. Trên một số sông, suối nhỏ khu vực miền núi mực nước đỉnh lũ có khả năng vượt mức báo động (BĐ) III, các sông chính ở thượng lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình ở mức BĐ I đến BĐ II, hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội và hạ lưu sông Thái Bình tại Phả Lại dưới mức BĐ I. Đặc biệt, lũ muộn có khả năng xảy ra tương tự như năm 2015. Do ảnh hưởng của mưa lớn cục bộ, ngập úng cục bộ tại các vùng trũng và các đô thị có khả năng xuất hiện. Lũ quét, sạt lở có khả năng xảy ra tương đương năm 2015, đặc biệt ở các khu vực vùng núi phía Bắc...
Theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, xu thế diễn biến của thiên tai khí tượng thủy văn ngày càng khốc liệt, diễn biến phức tạp khó lường. Khí hậu ngày càng nóng hơn, khô hơn, mưa bão lũ nhiều hơn. Cụ thể là hiện tượng El Nino năm 2015-2016 được nhiều chuyên gia trong và ngoài nước khẳng định là đợt mạnh kỷ lục, kéo dài nhất trong vòng 60 năm qua, tiếp tục tác động tới Việt Nam trong những tháng cuối năm 2016. Trước những diễn biến khó lường ấy, sự chủ động và cẩn trọng trong công tác phòng tránh là rất cần thiết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.