(HNM) - Năm nay, Thăng Long - Hà Nội tròn 1000 năm tuổi nên từ năm 2009 đã có rất nhiều bài viết trên các báo, nhiều đài truyền hình cũng làm phim tư liệu, phỏng vấn người dân, nhà nghiên cứu về mảnh đất này. Điều đó cũng dễ hiểu vì Hà Nội không chỉ của riêng Hà Nội mà Hà Nội là Thủ đô của Việt Nam. Tuy nhiên...
Cách đây không lâu, có bài trên một tờ báo mạng viết về món bún chả Hà Nội, với tên "Nghi thức bún chả Hà Nội", bài viết mô tả muốn ăn bún chả thì phải làm như thế nào, nghi thức ra sao, ăn vào khi nào... Nếu những ai mà cả cuộc đời gắn bó với Hà Nội thì bún chả chỉ là món ăn bình dân và không có nghi thức nào cả. Lật tìm trong lịch sử, hỏi những người nghiên cứu về ẩm thực Hà Nội và những người quan tâm đến ẩm thực Hà Nội xưa và nay không thấy chuyện ăn bún chả phải theo nghi thức. Người ta có thể ăn vào bất cứ ngày nào trong tuần, tháng nào trong năm và chuyện ăn bún chả cũng rất đơn giản vì nguyên liệu cho món này không khó kiếm. Lại một chuyện khác cũng về ẩm thực là món bún ốc. Có người viết cho rằng bún ốc xuất xứ từ hồ Tây, tác giả lý giải rằng hồ Tây có nhiều ốc. Thực ra không phải vậy. Trong ca dao, tục ngữ Hà Nội có câu: "Tứ Kỳ gánh cân, Pháp Vân gánh nánh". Làng Tứ Kỳ (huyện Từ Liêm) có nghề làm bún lâu đời và các bà, các cô sáng sáng gánh bún vào các chợ nội thành bán. Bún để vào hai thúng nên rất cân. Còn Pháp Vân (huyện Thanh Trì) có nghề bán bún ốc lâu đời. Vì bên nồi nước dùng bao giờ cũng nặng hơn bên quang để bát, đũa nên gánh không bao giờ cân được. Vì thế mới có câu trên. Gần đây nhất trong chương trình "Cây lộc vừng" đêm 30 Tết vừa rồi trên VTV. Trả lời phỏng vấn phóng viên VTV, nhà nghiên cứu T. nói rằng, cây lộc vừng ở phía đông hồ Gươm có tuổi còn nhiều hơn cả Tháp Rùa. Nếu nhà nghiên cứu này chịu khó xem lại các bức ảnh chụp cuối thế kỷ XIX thì sẽ thấy phía đông hồ Gươm chỉ là bờ đất trống không trong khi đó Tháp Rùa được xây dựng vào khoảng năm 1877.
Có thể kể ra khá nhiều ví dụ về viết hoặc nói chưa đúng về Hà Nội, không phủ nhận tấm lòng của những người viết, người trả lời phỏng vấn trên truyền hình, đài phát thanh. Song cái gì biết chính xác hãy viết, hãy nói, cái gì còn chưa biết hoặc biết mập mờ không nên nói vì như vậy sẽ làm sai lệch lịch sử. Mong rằng khi viết hay trả lời phỏng vấn đừng để các sai sót đáng tiếc như nói ở trên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.