Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cẩn trọng khi vay tiêu dùng

Đức Anh| 16/08/2016 08:53

(HNM) - Vay tiêu dùng, xu hướng phổ biến hiện nay của nhiều người dân, bởi hầu hết các khoản vay đều có thủ tục đơn giản. Thế nhưng, không phải ai vay tiêu dùng cũng biết hết đặc thù của loại hình này cho đến khi phải trả lãi mới thấy lãi suất cao.

.

Quảng cáo cho vay vốn ngân hàng hấp dẫn có mặt ở khắp nơi.



Ngay cả khi muốn dừng "cuộc chơi", người vay cũng gặp khó khăn, vì thông thường các khoản vay có điều khoản trả dần gốc và lãi hằng tháng trong thời hạn nhất định, nếu người vay tất toán sớm sẽ bị phạt một khoản tiền không nhỏ... Vì thế, khách hàng trước khi quyết định vay tiêu dùng cần tìm hiểu và cân nhắc.

Các sản phẩm vay tiêu dùng đa dạng luôn hấp dẫn người vay. Với nội dung quảng cáo là lãi suất hấp dẫn, thủ tục đơn giản, có thể có hoặc không có tài sản bảo đảm... không ít người đã "lao" vào những khoản vay tiêu dùng của ngân hàng, hoặc công ty tài chính. Có những sản phẩm cho vay như: vay mua xe máy, điện thoại... cũng được rao trên trang web của công ty, các khoản vay này được trả góp hằng tháng với lãi suất ưu đãi là 0-1%/năm...

Nhưng, trên thực tế không có chuyện người vay chỉ phải trả khoản lãi suất gần như cho không này, mà mức lãi suất thường là 17-18%/năm, thậm chí là hơn 20%/năm. Hay tại một ngân hàng có hội sở ở Hà Nội, cho vay tiêu dùng cũng được rao khá hấp dẫn: Vay hạn mức gấp 10 lần lương, tối đa tới 200 triệu đồng trong vòng 48 tháng, không cần tài sản bảo đảm, với 2 phương án trả lãi suất: lãi suất cố định 17%/năm cho khoản vay dưới 12 tháng, hoặc lãi suất trong biên độ 8,3%/năm cho khoản vay trên 12 tháng (tức là lãi suất có thể tăng hoặc giảm tối đa 8,3%/năm so với mức lãi suất trên hợp đồng, hoặc dựa trên mức lãi suất huy động cao nhất).

Chỉ cần tìm kiếm từ "vay tiêu dùng" trên google, có thể dễ dàng thấy cả triệu kết quả. Có những website chỉ đơn giản tên là "vay tiêu dùng"..., với hàng loạt những điều khoản nghe có vẻ rất dễ dãi, như lãi suất thấp, thủ tục nhanh. Trong một trang quảng cáo cho sản phẩm: Chương trình vay đối với khách hàng V.I.P có "rao": người vay chỉ cần đáp ứng điều kiện làm việc tại các công ty có uy tín, có mức lương chuyển khoản trên 15 triệu đồng/tháng, có quốc tịch Việt Nam, tuổi từ 21 đến 55, hạn mức vay lên đến 600 triệu, lãi suất tín chấp: thấp nhất thị trường 18%/năm. Hay với sản phẩm vay tiêu dùng tối ưu: có mức lương chuyển khoản từ 3,5 triệu đồng/ tháng, số tiền được vay lên tới 400 triệu đồng hoặc gấp 10 lần lương, không cần thế chấp tài sản, hồ sơ đơn giản, được hỗ trợ...

Không chỉ cho vay tiêu dùng thông thường, những tổ chức này còn hợp tác với các doanh nghiệp để đưa ra các sản phẩm cho vay trả góp, từ điện thoại, máy tính, đến xe máy... Nếu đọc qua những lời quảng cáo thì thấy quá dễ dàng cho các khoản vay mang tên "tiêu dùng". Song, đó chỉ là bề nổi của những sản phẩm này, bởi hầu hết các khoản vay đều phải chịu lãi suất cao hơn so với quảng cáo. "Đánh" vào tâm lý cần vốn nhanh khi tìm đến các sản phẩm vay tiêu dùng của ngân hàng hay công ty tài chính, hoặc thậm chí là những tổ chức tín dụng "đen".

Chị Nguyễn Thị Thúy (Hà Đông) cho biết, chị từng mua một chiếc điện thoại trả góp, ban đầu công ty điện thoại quảng cáo là chỉ cần làm thủ tục vay trả góp trong 12 tháng, lãi suất là 0% thì được sở hữu một chiếc điện thoại mới, nhưng trên thực tế, chị chỉ được miễn trả lãi suất 1 tháng, những tháng còn lại, lãi suất tính ra lên tới 40-50%/năm. Không chỉ có chị Thúy, nhiều người khác cũng chủ quan không chịu tìm hiểu kỹ các điều khoản ràng buộc đến khi "tá hỏa" vì lãi suất cao hơn so với các ngân hàng thương mại.

Thực tế, vay tiêu dùng là sản phẩm có khá nhiều rủi ro vì không có tài sản bảo đảm, với ít điều kiện ràng buộc về tín dụng, nên lãi suất sẽ cao. Chính vì vậy, người vay nên đọc kỹ hợp đồng trước khi ký để không phải rơi vào cảnh "đã rồi" và phải trả mức lãi suất cao hằng tháng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cẩn trọng khi vay tiêu dùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.