(HNM) - Để bảo đảm an toàn thông tin và tránh gặp thiệt thòi khi mua sắm qua các trang web, người tiêu dùng cần lưu ý một số điểm sau. Trước hết, cần cảnh giác trước nguy cơ rò rỉ dữ liệu cá nhân bằng cách hạn chế thực hiện giao dịch tại các điểm truy cập internet công cộng, không để lộ mật khẩu.
Việc lập ra một trang web không khó nên trước khi giao dịch bạn nên cảnh giác nếu đó là trang xa lạ, ít người biết. Với các trang tại Việt Nam, bạn nên kiểm tra tính xác thực và hợp pháp thông qua Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử, thuộc Bộ Công thương, tại địa chỉhttp://www.online.gov.vn. Với các website thương mại điện tử có gắn biểu tượng "Đã đăng ký với Bộ Công thương", bạn chỉ cần kiểm tra bằng cách nhấn vào đó để được dẫn về thông tin đăng ký của website tại www.online.gov.vn.
Nếu có tên tuổi, số điện thoại hay địa chỉ email của người bán hàng, bạn hãy kiểm tra lại trên Google xem có thông tin tiêu cực về người đó hay không. Cần đọc kỹ các điều khoản liên quan bảo vệ thông tin cá nhân. Các điều khoản giao dịch như phương thức thanh toán, giao hàng, chính sách đổi trả hàng, điều kiện hoàn tiền, phí vận chuyển, bảo hành và các dịch vụ sau bán hàng… sẽ giúp bạn có căn cứ để khiếu nại với người bán hàng nếu nhận được sản phẩm không như giới thiệu trên website.
Cho điểm người bán là một tính năng mà các trang web lớn đều có. Nếu số điểm của người bán quá thấp thì bạn nên cân nhắc trước khi đặt hàng. Ngoài ra, những người bán có uy tín tốt thường nhận được nhiều phản hồi tích cực và đạt các danh hiệu như top seller… Hãy giữ mã số đơn hàng và các chứng từ trong quá trình giao dịch trực tuyến bởi chúng có thể được sử dụng làm bằng chứng trong việc giải quyết tranh chấp nếu có.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.