Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cẩn trọng khi điều trị Covid-19 tại nhà

Nhóm phóng viên| 05/03/2022 06:22

(HNM) - Số ca mắc Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn đang tăng, đáng chú ý là tình trạng nhiều người trong cùng một gia đình dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Trong bối cảnh đó, không ít người đã tìm sự giúp đỡ của người không có chuyên môn y tế, đặc biệt là tham khảo các thông tin trên mạng xã hội mà thiếu kiểm chứng về độ chính xác. Để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, người dân cần cẩn trọng khi tự điều trị Covid-19 tại nhà.

Người dân tìm hiểu phương pháp điều trị Covid-19 tại nhà trên mạng xã hội. Ảnh: Ngân Thùy

Nhiều người tự kê đơn thuốc điều trị

Nhìn que test nhanh của các thành viên gia đình lần lượt xuất hiện vạch báo dương tính với vi rút SARS-CoV-2, chị Chu Thu Huyền (phường Điện Biên, quận Ba Đình) rất lo lắng. "Cha mẹ tôi đã gần 80 tuổi cùng cháu nhỏ 6 tuổi cùng bị F0. Tôi đã gọi điện hỏi han các nơi nhờ tư vấn cách chăm sóc người già, trẻ em và đặt mua trực tuyến các loại thuốc điều trị, tăng sức đề kháng, vitamin… Tôi mua dự phòng cả thuốc kháng viêm nhóm corticoid. Dù có thể không dùng đến nhưng khi có đủ thuốc cũng giúp tôi yên tâm hơn”, chị Huyền chia sẻ.

Trong khi đó, bà Trần Thị Kim Oanh (phường Thổ Quan, quận Đống Đa) dù đã khỏi bệnh nhưng vẫn có tâm trạng lo lắng về di chứng hậu Covid-19. Bà Oanh cho biết: "Tôi nhiễm Covid-19 trước khi Bộ Y tế cấp phép lưu hành thuốc Molnupiravir sản xuất trong nước, nên tìm mua thuốc thuốc Molnupiravir bán trên mạng với giá 2,8 triệu đồng/liệu trình. Thuốc được quảng cáo là hàng xách tay nên không có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt, tôi uống theo chỉ dẫn của người bán, 2 ngày đầu uống 2 lần/ngày, mỗi lần 8 viên sau ăn, các ngày tiếp theo giảm xuống còn 3 viên/lần. Sau 7 ngày uống thuốc Molnupiravir, tôi đã có kết quả xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên, hiện tôi được biết, thuốc này cần chỉ định của bác sĩ và có những tác dụng phụ không mong muốn khiến tôi cảm thấy lo lắng về sự vội vàng của mình. Tôi đang đặt lịch đi khám tổng quát hậu Covid-19 để được tư vấn chính xác từ bác sĩ".

Còn chị Nguyễn Thị Hạnh (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) chia sẻ: "Kinh nghiệm mỗi lần cảm cúm tôi thường sử dụng lá xông thì thấy cơ thể dễ chịu. Lần này mắc Covid-19, có nhiều người bán lá xông trên mạng với hướng dẫn giúp người bệnh nhanh khỏi bệnh nên tôi đặt mua cho cả nhà sử dụng. Tuy vậy, sau khi xông tôi thấy mệt mỏi hơn, lúc nào cũng khát nước… Được vào nhóm F0 điều trị tại phường, tôi mới biết xông khi sốt càng khiến cơ thể mất nước, mất chất điện giải, nguy hiểm khôn lường".

Thực tế còn rất nhiều trường hợp nghe theo lời chữa bệnh kiểu truyền miệng trên mạng xã hội mà không kiểm chứng như ăn nhiều tỏi, uống nước gừng, dùng xuyên tâm liên, cảm xuyên hương, thậm chí uống kháng sinh ngay từ ngày đầu có triệu chứng ho, hắt hơi, sổ mũi… Một số F0 tiến hành test hằng ngày theo dõi vạch mờ hay đậm để tự đánh giá bệnh nặng hay nhẹ, sắp khỏi chưa cũng được các bác sĩ cho rằng không cần thiết, gây lãng phí.

Đội tình nguyện Trung tâm y tế lưu động phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình) hỗ trợ một trường hợp F0 điều trị tại nhà.

Cần thận trọng

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương (Trường Đại học Dược Hà Nội), các thuốc kháng viêm nhóm corticoid (dexamethason, prednison…) thuộc nhóm hóc môn, có đặc tính sinh học rất mạnh ở ngay liều rất nhỏ và có khả năng tác động đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Do đó, người bệnh chỉ dùng các thuốc corticoid khi được bác sĩ kê đơn và phải dùng đúng liều lượng, thời gian theo chỉ định. Với thuốc kháng vi rút trị Covid-19, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, mỗi thuốc kháng vi rút có chỉ định trên đối tượng bệnh nhân Covid-19 nhất định nên việc dùng thuốc cần có chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, các thuốc trị Covid-19 cũng có khá nhiều chống chỉ định, cần giám sát cẩn thận các tác dụng phụ để tránh xảy ra rủi ro đáng tiếc.

Trước những thông tin lan truyền trên mạng xã hội, cho rằng người bệnh F0 cần dùng các thuốc corticoid sớm để tránh "bão cytokin", bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Ô xy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) cho hay, đây là thông tin sai lệch, không dùng corticoid để dự phòng bão cytokin ở bệnh nhân Covid-19. Corticoid chống được "bão cytokin" nhưng phải được bác sĩ chỉ định và theo dõi sát sao. Theo đúng hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế, corticoid không được phép dùng cho người bệnh Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng chỉ ở mức độ nhẹ.

Hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế về sử dụng thuốc Molnupiravir, dùng cho người lớn từ 18 tuổi trở lên mức độ nhẹ đến trung bình và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng. Thời gian sử dụng thuốc trong vòng 5 ngày kể từ khi khởi phát các triệu chứng hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính. Không sử dụng thuốc Molnupiravir cho phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, trẻ em dưới 18 tuổi do quan ngại nguy cơ độc tính trên thai nhi, trên xương, sụn...

Để sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, người bệnh F0 điều trị tại nhà nên theo dõi các biểu hiện của cơ thể, tìm hiểu những thông tin tư vấn, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe từ nguồn chính thống và các y, bác sĩ uy tín, cập nhật thông tin diễn biến bệnh hằng ngày trên hệ thống y tế để được hỗ trợ kịp thời từ y tế cơ sở trên địa bàn.

Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cẩn trọng khi điều trị Covid-19 tại nhà

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.