Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cẩn trọng gấp nhiều lần

Hiền Lương| 21/04/2010 06:38

(HNM) - Sau hơn 10 năm triển khai và thực hiện quy hoạch (kể từ năm 1998), vẫn còn tới 15 vấn đề bức xúc cần nghiên cứu, giải quyết. Điều này lý giải vì sao đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được lãnh đạo và người dân Hà Nội kỳ vọng rất nhiều.

Quy hoạch không chỉ tạo dựng cho Hà Nội mở rộng một tương lai phát triển xứng tầm, mà còn phải xử lý ngay những bất cập diễn ra trước mắt.

Năm 1998, Hà Nội đã có quy hoạch mà viễn cảnh không kém phần ấn tượng với những chi tiết đầy "chất" khoa học của nó vẫn được đánh giá cao cho đến ngày nay. Trong quá trình góp ý cho đồ án quy hoạch mới của Thủ đô, nhiều nhà khoa học, kiến trúc sư đã tái khẳng định điều này, thậm chí nhiều ý kiến còn cho rằng, những người làm quy hoạch mới cần nghiên cứu, học hỏi từ quy hoạch cũ. Thế nhưng, một đồ án quy hoạch như thế, sau 12 năm triển khai và thực hiện, không khắc phục được những nhược điểm của đô thị cũ, lại chưa định hình được những quy hoạch mới trên thực tế. Không chỉ phải điều chỉnh cục bộ quy hoạch đến 9 lần (theo ông Ngô Trung Hải, Viện trưởng Viện Kiến trúc đô thị và nông thôn - Bộ Xây dựng), Hà Nội còn phải đối diện với hàng loạt "căn bệnh đô thị" chưa có "thuốc giải" như ùn tắc giao thông, quá tải bệnh viện, quá tải trường học, vi phạm trật tự xây dựng, không tuân thủ quy hoạch... Có thể nói, tính khả thi của Quy hoạch năm 1998 rất yếu, nhất là các giải pháp thực hiện. Quy hoạch hay, nhưng giải pháp thực hiện yếu, tính khả thi thấp chẳng khác gì quy hoạch dở.

Đồ án quy hoạch mới của Hà Nội đã qua rất nhiều lần đóng góp ý kiến. Hôm qua 20-4, nó đã được HĐND TP Hà Nội thảo luận và thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Đó là bước đi rất quan trọng của đồ án, có thể coi là đã "gần tới đích". Nhưng ngay cả ở thời điểm này, vấn đề giải pháp triển khai, thực hiện quy hoạch, tính khả thi của nó vẫn được đặt ra bằng thái độ hết sức nghiêm túc, cẩn trọng. Đây cũng là nhóm nội dung được quan tâm nhất, được đóng góp nhiều nhất trong quá trình lấy ý kiến các nhà khoa học, giới chuyên môn, cán bộ thành phố, cán bộ địa phương... Phải chăng, các giải pháp thực hiện quy hoạch mà các nhà tư vấn đưa ra vẫn chưa thực sự có sức thuyết phục?

Có thể, cách nhìn nhận như vậy là quá khắt khe, nhưng nó cho thấy một điều: Bài học về tính khả thi, giải pháp thực hiện quy hoạch từ năm 1998 vẫn còn nóng hổi. Những người có trách nhiệm phải xem xét đồ án quy hoạch mới dưới góc nhìn tỉnh táo, cẩn trọng hơn rất nhiều lần, đặc biệt là về tính khả thi và giải pháp triển khai, thực hiện. Đây là cơ sở để không tái diễn những điều có thể coi là sai lầm khi triển khai và thực hiện quy hoạch trong quá khứ. Do vậy, lãnh đạo Hà Nội, HĐND thành phố, các cơ quan chức năng... càng phải thận trọng gấp nhiều lần!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cẩn trọng gấp nhiều lần

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.