Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cẩn trọng cháy, nổ trong mùa mưa

Mai Hữu| 07/10/2021 06:15

(HNM) - Một thực tế ít người nghĩ đến là trong mùa mưa bão, nguy cơ các sự cố cháy, nổ vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào với mức độ nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho tính mạng và tài sản của người dân. Mùa mưa bão đang vào giai đoạn cao điểm nên người dân cần tuân thủ các biện pháp ngăn ngừa để bảo đảm an toàn ngay tại hộ gia đình.

Lực lượng chức năng dán tờ rơi tuyên truyền phòng, chống cháy nổ tại phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm).

Mùa mưa vẫn cháy, nổ nghiêm trọng

Nghiên cứu chuyên sâu các sự cố cháy, nổ, Thượng úy Bùi Văn Hưng, giảng viên Khoa Nghiệp vụ cơ bản (Đại học Phòng cháy, chữa cháy) nhận định, đa số người dân cho rằng, cháy nổ chỉ xảy ra trong điều kiện nắng nóng, hanh khô. Điều này dẫn đến tình trạng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác đối với công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy trong mùa mưa.

Thượng úy Bùi Văn Hưng cho biết thêm, nguy hiểm ở chỗ là một số chất như nhựa, xăng dầu, hóa chất… khi cháy không thể bị dập tắt bằng nước, do đó trời mưa cũng không làm cho ngọn lửa phát triển chậm lại. Đây là thực tế qua vụ cháy nhà xưởng tại ngách 32/52 phố Thịnh Liệt (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) ngày 24-7 vừa qua, mặc dù trời mưa to nhưng ngọn lửa bùng phát nhanh chóng khiến toàn bộ tài sản bị thiêu rụi.

Theo thống kê từ Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), 80% các vụ cháy, nổ trong mùa mưa bão đều xuất phát từ nguyên nhân chập, đoản mạch điện. Trong khi đó, Chủ tịch UBND phường Phúc Xá (quận Ba Đình) Bùi Thanh Xuân cho biết, qua kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy tại các hộ gia đình, nhất là các hộ cho thuê nhà trọ trên địa bàn, hệ thống điện tại một số hộ hầu như không được bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế, dẫn đến xuống cấp, không bảo đảm an toàn, có thể gây ra chập cháy, rò rỉ điện khi trời mưa.

Ngoài ra, theo Đại úy Đỗ Tuấn Anh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội), hầu hết các nhà ở hộ gia đình trên địa bàn Thủ đô hiện đều không có hệ thống thu lôi chống sét. Bên cạnh đó, nếu hộ gia đình đã lắp đặt thu lôi thì lại không lưu ý đến hệ thống nối đất an toàn cho các thiết bị điện sử dụng trong nhà. Do vậy, khi xảy ra sét đánh, nguy cơ cháy, nổ, rò rỉ điện là rất cao; đồng thời mưa bão thường đi kèm theo sét đánh trực tiếp dễ xảy ra cháy, nổ.

Đồng tình với nhận định trên, anh Nguyễn Văn Long (phường Xuân La, quận Tây Hồ) cho biết, nhà anh không có hệ thống thu lôi chống sét. Gần đây, khi được phường Xuân La tuyên truyền về phòng, chống cháy, nổ thì anh mới chú ý đến việc này và lắp đặt hệ thống thu lôi chống sét. 

Lực lượng chức năng kiểm tra, tuyên truyền công tác phòng cháy, chữa cháy cho một hộ kinh doanh trên địa bàn phường Cát Linh (quận Đống Đa).

Chủ động phòng ngừa từ mỗi gia đình

Mùa mưa bão đang ở giai đoạn cao điểm, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã xây dựng các phương án chủ động phòng ngừa cháy, nổ, sự cố có thể xảy ra. Thượng tá Lê Ngọc Thanh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, đơn vị và các lực lượng chức năng của thành phố luôn tổ chức ứng trực sẵn sàng tham gia chữa cháy, xử lý các tình huống thiên tai; cứu nạn những trường hợp cây xanh, biển quảng cáo, mái tôn bay, đổ vào nhà dân, phương tiện giao thông và chắn ngang đường.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Huy Toàn, trước và trong mùa mưa bão, địa phương phối hợp với Công an thành phố Hà Nội tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền dưới nhiều hình thức để người dân thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy tại chỗ. Đối với các cơ sở sản xuất, lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở tuân thủ quy định an toàn về điện. Ngoài ra, huyện đã phối hợp với ngành Điện lực thành phố đề nghị nâng cấp, cải tạo các đường dây điện tại những khu vực có nguy cơ cháy cao để hạn chế tối đa các vụ cháy có thể xảy ra do chập điện trong mùa mưa bão.

Bên cạnh đó, việc chủ động phòng ngừa ngay tại gia đình cũng là biện pháp cần thiết để người dân có thể hạn chế tối đa các sự cố cháy, nổ, tai nạn trong mùa mưa bão. Thượng tá Trương Đức Dũng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) khuyến cáo, trong mùa mưa bão, người dân cần kiểm tra hệ thống dây và các thiết bị điện trong nhà, tránh để dột và ẩm ướt ở những nơi có điện; thường xuyên kiểm tra dây dẫn từ nhà ra cột điện để phòng ngừa đứt dây, chạm chập gây cháy.

Bên cạnh đó, các bảng điện tử quảng cáo ngoài trời phải bảo đảm các điều kiện an toàn về điện, đề phòng chạm, chập gây ra cháy khi có mưa, dông, gió mạnh, ảnh hưởng đến những công trình tiếp giáp.

Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) đề nghị người dân cài đặt ứng dụng “Báo cháy 114” trên thiết bị di động thông minh để thông báo các vụ cháy, nổ và sự cố, tai nạn một cách nhanh, chính xác nhất cho lực lượng chức năng; đồng thời cũng là kênh cung cấp kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ mọi lúc, mọi nơi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cẩn trọng cháy, nổ trong mùa mưa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.