(HNMO) – Ngày 9/12, Cục An toàn Lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH) phối hợp với Văn phòng ILO tại Việt Nam tổ chức Hội thảo báo cáo kết quả dự án “Hỗ trợ thực hiện hiệu quả chương trình quốc gia về an toàn vệ sinh lao động nhằm tăng cường an toàn và sức khoẻ tại nơi làm việc ở Việt Nam”.
Mục đích của hội thảo là nhằm tổng kết và đánh giá những kết quả đã đạt được, chia sẻ kinh nghiệm và điển hình tốt trong việc cải thiện điều kiện lao động đồng thời thảo luận về vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức đại diện của người lao động và người sử dụng lao động trong việc duy trì và mở rộng ATVSLĐ trong tương lai.
Cùng với sự phát triển kinh tế nhanh chóng trong những năm qua, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức và nguy cơ ngày càng lớn về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Theo báo cáo, tai nạn lao động tại Việt Nam có xu thế tăng nhanh từ 3.405 vụ năm 2000 lên 5.307 vụ năm 2010. Tử vong do tai nạn lao động cũng tăng từ 406 trường hợp năm 2000 lên tới 601 trường hợp năm 2010.
Theo Bộ LĐTBXH, tính đến cuối năm 2010, có 26.928 người mắc bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, đây chỉ là những con số được báo cáo chính thức với các cơ quan liên quan. Trên thực tế, chắc chắn còn rất nhiều trường hợp tai nạn lao động và tử vong do tai nạn lao động xảy ra tại nơi làm việc có quy mô nhỏ hơn chưa được báo cáo. Điều này cho thấy, tăng cường công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong các doanh nghiệp nhỏ và khu vực kinh tế phi chính thức tại Việt Nam đang ngày càng bức thiết.
Nhằm thực hiện một cách tổng thể các mục tiêu giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nâng cao nhận thức về ATVSLĐ, Việt Nam đã bắt đầu thực hiện Chương trình quốc gia lần thứ nhất về ATVSLĐ (2006 - 2010). Dự án An toàn Vệ sinh Lao động do Chính phủ Nhật Bản tài trợ, được Bộ LĐTBXH phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thực hiện từ năm 2009 có ý nghĩa rất quan trọng trong giai đoạn này.
Qua ba năm hoạt động, dự án đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc hỗ trợ thực hiện Chương trình quốc gia ATVSLĐ lần thứ nhất. Theo phân tích từ số liệu thống kê của cơ quan Bảo hiểm xã hội, từ năm 2006-đến cuối 2009, tần suất tai nạn lao động chết người tính trên số người tham gia bảo hiểm xã hội giảm bình quân mỗi năm là 7,43% so với năm 2005.
Theo Bộ LĐTBXH, tỷ lệ số người mắc mới BNN tính trên tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội bình quân mỗi năm giảm 5,95 % so với năm 2005, giảm 6,97 % so với giai đoạn 2001- 2005.
Với phương pháp tiếp cận song song tại hai cấp trung ương và địa phương, dự án hỗ trợ những nỗ lực của Việt Nam trong việc kết nối các hoạt động xây dựng chính sách với các tiêu chuẩn của ILO; cập nhật Hồ sơ quốc gia về ATVSLĐ; xây dựng Chương trình quốc gia về ATVSLĐ lần thứ hai... Đặc biệt, tại địa phương, dự án áp dụng phương pháp tập huấn của ILO khuyến khích những sáng kiến tự lực và hành động cải thiện thiết thực, chi phí thấp, dễ thực hiện và tận dụng những nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương để cải thiện điều kiện lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực kinh tế phi chính thức và khu vực nông thôn.
Tính đến tháng 10 năm 2011, dự án đã thực hiện tập huấn cho 574 doanh nghiệp vừa và nhỏ (các doanh nghiệp này đã thực hiện được hơn 1,800 cải thiện); tập huấn cho 246 lao động gia đình (WISH) và cho 800 nông dân (WIND) - gấp đôi mục tiêu đề ra ban đầu là 400 người.
Một đặc điểm nổi bật của dự án là tăng cường hợp tác giữa ngành lao động, y tế, công đoàn, tổ chức của người sử dụng lao động… nhằm đem đến dịch vụ ATVSLĐ có chất lượng tốt hơn và mức độ tiếp cận rộng hơn nữa. Dự án thực hiện nhiều hoạt động phối hợp với dự án của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) theo tinh thần đẩy mạnh hợp tác liên bộ và chính sách một Liên hợp quốc tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh cho rằng: “Cùng với sự phát triển kinh tế nhanh chóng tại Việt Nam trong thời gian qua, số lượng tai nạn lao động cũng tăng nhanh. Chương trình quốc gia lần thứ nhất về ATVSLĐ và dự án đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong việc góp phần nâng cao nhận thức về ATVSLĐ, góp phần giảm thiểu tai nạn lao động và bảo đảm sức khỏe của người lao động”.
Ông Tôn Thất Khải, chuyên gia về ATVSLĐ của ILO Khu vực Châu Á và Thái Bình Dương nhấn mạnh: “Chúng ta cần có cách thức duy trì và mở rộng phương pháp tập huấn có sự tham gia của ILO và đội ngũ giảng viên nguồn do dự án đào tạo nhằm góp phần tăng cường và đẩy mạnh công tác ATVSLĐ, qua đó đem đến việc làm bền vững cho tất cả mọi người lao động ở Việt Nam”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.