(HNM) - Không thể phủ nhận đóng góp tích cực, quan trọng của khối doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với nền kinh tế, thể hiện ở những chỉ tiêu cụ thể: Chiếm tỷ trọng đáng kể trong GDP, kim ngạch xuất - nhập khẩu, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách, giải quyết việc làm…
Tuy nhiên, quá trình thu hút nguồn vốn FDI nói chung, hoạt động của các doanh nghiệp FDI nói riêng cũng phát sinh những hệ quả không định trước, thậm chí có thể coi là rất tiêu cực: Không ít doanh nghiệp có công nghệ lạc hậu, năng suất thấp; không ít doanh nghiệp thuộc dạng thâm dụng tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; mức độ chuyển giao công nghệ, đào tạo lao động qua quá trình hoạt động không hiệu quả; đóng góp thực cho nguồn thu ngân sách - theo nhiều chuyên gia kinh tế - chưa tương xứng (vì thực tế hầu hết lợi nhuận chuyển về công ty mẹ), đặc biệt là vài năm trở lại đây xuất hiện tình trạng nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu hoặc đã thực hiện hành vi chuyển giá để trốn thuế…
Dù vậy, nguồn vốn FDI và doanh nghiệp khu vực này vẫn là một nguồn lực quan trọng. Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã nêu rõ vấn đề thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài; phát huy đầy đủ, đúng đắn vai trò của doanh nghiệp FDI (cùng với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và khu vực sản xuất nông nghiệp). Đáng chú ý, "thu hút" không đồng nghĩa với chấp nhận mọi nhà đầu tư nước ngoài. Tại sao lại nói như vậy? Bởi lẽ, định hướng phát triển của đất nước là chuyển đổi từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, ưu tiên phát triển bền vững… Với Thủ đô Hà Nội, một định hướng trọng tâm trong 5 năm tới là đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn với cơ cấu lại kinh tế Thủ đô bảo đảm mục tiêu phát triển nhanh, bền vững; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, có nhiều sản phẩm với hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao.
Thu hút đầu tư nước ngoài nhưng không thu hút bằng mọi giá là chủ trương quan trọng, phải được thực hiện triệt để. Muốn làm được điều đó, trước hết phải thay đổi về quan điểm: Phải xem nhà đầu tư FDI như nhà đầu tư trong nước chứ không vì cái "mác" FDI mà dành những ưu đãi được coi là "xé rào" (trái ngược tình trạng "trên trải thảm, dưới rải đinh"). Phải sớm chấm dứt tình trạng "con gà tức nhau tiếng gáy" dẫn tới địa phương này có dự án FDI, địa phương kia tìm cách "vận dụng linh hoạt" chính sách để mời gọi chủ đầu tư. Đặc biệt, phải chấm dứt tình trạng chủ đầu tư nước ngoài mang công nghệ lạc hậu, công nghệ thâm dụng tài nguyên, có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường sang… nhưng vẫn được cấp giấy phép đăng ký đầu tư. Đồng thời, dù là doanh nghiệp FDI nhưng đã có… vi phạm thì phải xử lý nghiêm khắc, bảo đảm mọi doanh nghiệp bình đẳng trước pháp luật chứ không nên có tình trạng "giơ cao đánh khẽ". Song song với quá trình này, chính những nhà đầu tư ở lĩnh vực công nghệ cao, mang lại hàm lượng giá trị gia tăng cao… phải được khuyến khích…
Tất cả những tiêu chí này sẽ tạo thành một "lưới lọc" ngăn chặn các nhà đầu tư FDI không đủ tiêu chuẩn, có ý đồ lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách của nước ta để trục lợi được hoạt động, từ đó dẫn tới những hệ quả không định trước đề cập ở trên. Cũng cần nhấn mạnh thêm là, cơ chế hoạt động của lưới lọc này cần được "phủ" đồng bộ ở tất cả các địa phương. Chỉ có như vậy, khu vực doanh nghiệp FDI mới thực sự mang lại những tác động tích cực ở mức cao nhất cho nền kinh tế và không lặp lại những "mặt trái" có thể xem là rất đáng lo ngại hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.