Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần thêm “nam châm” thu hút khán giả

Thùy An| 13/06/2016 07:52

(HNM) - Giải Cầu lông quốc tế Hà Nội mở rộng 2016 đã có cái kết đẹp khi cả Nguyễn Tiến Minh và Vũ Thị Trang cùng giành ngôi vô địch, khán đài chật kín khán giả. Sau thành công đó, nhu cầu có thêm những

Tiến Minh tại Giải Cầu lông quốc tế Hà Nội mở rộng 2016.


Trước Giải Cầu lông quốc tế Hà Nội mở rộng 2016, nhà tổ chức tin vào sự thành công của giải, nhất là về sức hút khán giả, đơn giản vì tay vợt số 1 Việt Nam Nguyễn Tiến Minh đã xác nhận dự giải. Trong lịch sử giải đấu, chưa lần nào giải đấu thất bại về mặt tổ chức khi có Nguyễn Tiến Minh tham dự.

Trước giải năm nay, Nguyễn Tiến Minh đã xếp lịch thi đấu tại Giải Cầu lông Indonesia mở rộng - giải đấu có đẳng cấp cao hơn, trùng với thời gian diễn ra Giải Cầu lông quốc tế Hà Nội mở rộng. Đương nhiên, giải đấu ở Indonesia sẽ mang lại lợi ích chuyên môn nhiều hơn, thắng thì tốt mà thua cũng dễ được thông cảm bởi đó là nơi có sự góp mặt của nhiều tay vợt thuộc tốp đầu thế giới. Trong khi đó, nếu thất bại tại Giải Cầu lông quốc tế Hà Nội mở rộng thì danh tiếng của Tiến Minh sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Không phải ngẫu nhiên mà sau lần giành chức vô địch Giải Cầu lông quốc tế Hà Nội mở rộng năm 2014, Nguyễn Tiến Minh đã quyết định không dự các kỳ giải tiếp theo. Dù vậy, trước giải năm nay, anh đã thay đổi quyết định vào phút chót vì muốn được phục vụ khán giả Thủ đô. Không tính về mặt chuyên môn, quyết định này có lợi cho cả Tiến Minh, nhà tổ chức và khán giả Hà Nội. Nhà thi đấu Cầu Giấy trong những ngày có Nguyễn Tiến Minh tham dự luôn đông người xem, khác hẳn các kỳ giải không có tay vợt số 1 Việt Nam.

Vấn đề được đặt ra là, nếu không có Nguyễn Tiến Minh và Vũ Thị Trang (hai tay vợt vừa giành vé tham dự Olympic 2016), thì giải đấu có thu hút được nhiều khán giả đến vậy, nhất là khi thời tiết Hà Nội trong những ngày diễn ra giải đấu luôn nóng khủng khiếp? Đương nhiên, câu trả lời là "không", bởi lực hút khán giả của Nguyễn Tiến Minh và Vũ Thị Trang rất lớn. Ngoài ra, khâu tổ chức giải cũng bài bản, chuyên nghiệp kết hợp với việc quảng bá giải đấu được tổ chức rầm rộ, được truyền hình trực tiếp khiến giải thêm sức lan tỏa.

Sau thành công nói trên, bài toán thu hút khán giả trong những năm tiếp theo đã được đặt ra. Nguyễn Tiến Minh đã 33 tuổi, khó duy trì phong độ cao cũng như vị trí thuộc tốp 50, thậm chí là tốp 100 tay vợt hàng đầu thế giới trong 1-2 năm tới. Tay vợt số 1 Việt Nam từng kể rằng, có rất nhiều người hỏi anh là "đến bao giờ cầu lông Việt Nam có Nguyễn Tiến Minh thứ hai?". Đó là điều khiến vận động viên này và nhà quản lý bộ môn trăn trở bởi họ từng chứng kiến nhiều tay vợt trẻ giàu tài năng hơn tay vợt người TP Hồ Chí Minh nhưng lại "chóng tàn" vì thiếu ý chí phấn đấu. Theo giới chuyên môn, nếu không có được một trung tâm huấn luyện hiện đại cùng với đội ngũ HLV trình độ cao thì về lâu dài, sẽ rất khó để cầu lông Việt Nam có thêm những Nguyễn Tiến Minh khác nữa.

Thống kê của ông Lê Minh Hà, phụ trách môn cầu lông (Tổng cục TDTT), làng cầu lông Việt Nam chỉ có hai tay vợt nam có thể kế thừa được "di sản" Nguyễn Tiến Minh, đó là Lê Đức Phát (Quân đội) và Phạm Cao Cường (TP Hồ Chí Minh); còn phía nữ mới có Nguyễn Thùy Linh (Đà Nẵng) có thể đạt tới trình độ của Vũ Thị Trang. Như thế là quá ít so với kỳ vọng. Nếu sự khan hiếm tài năng tiếp tục diễn ra thì các giải đấu tại Việt Nam, trong đó có Giải Cầu lông quốc tế Hà Nội mở rộng sẽ khó thu hút khán giả.

Ai cũng mong cầu lông Việt Nam trình làng được những "Nguyễn Tiến Minh" mới, càng sớm càng tốt. Tuy thế, muốn "gột nên hồ" cần phải có "bột". Và đó là phần việc của nhà quản lý thể thao. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần thêm “nam châm” thu hút khán giả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.