(HNMO) - Ngày 8-10, tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ (số 50 Đào Duy Từ) diễn ra hội thảo với chủ đề "Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản khu phố cổ Hà Nội trong tiến trình phát triển Thăng Long - Hà Nội". Sự kiện do UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp Hội Di sản Văn hóa Thăng Long - Hà Nội, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội tổ chức, thiết thực kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội (1010-2020); 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2020); chào mừng Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội.
Khu phố cổ Hà Nội là di sản đô thị có kiến trúc độc đáo, với các phố nghề thủ công truyền thống, phố chuyên doanh, nhiều di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc gắn liền với lịch sử của vùng đất Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Tất cả nghiên cứu trước đây đều khẳng định các giá trị của khu phố cổ Hà Nội là yếu tố quan trọng để nhận diện bản sắc văn hóa đô thị của Hà Nội. Các giá trị này không chỉ là những di tích, ngôi nhà cổ với những đặc thù về quy hoạch, xây dựng, kiến trúc, với những dấu tích lịch sử mà còn là những giá trị văn hóa tồn tại bên trong từng ngôi nhà, từng gia đình, từng con người thông qua những nét sinh hoạt thường nhật, những hoạt động ẩm thực, lễ hội...
Với nguồn di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, đa dạng, khu phố cổ Hà Nội đã được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia năm 2004; được quan tâm, đầu tư, phát huy giá trị di sản, nhưng tiềm năng và giá trị khu vực này vẫn đang rất cần được tiếp tục quan tâm xứng đáng với vị thế di tích.
Hội thảo nhận được nhiều tham luận, phát biểu, ý kiến tâm huyết làm rõ những kết quả đồng bộ trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu phố cổ thời gian qua, những thách thức và giải pháp cho công tác này trong thời gian tới. Đó là, xã hội hóa nguồn lực không chỉ của khu phố cổ, của quận mà còn từ cả nước và nước ngoài. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá để tạo thêm động lực cho bảo tồn, phát huy giá trị, nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng. Ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ phục vụ cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị. Đổi mới, tăng cường, nâng cao hiệu quả của công tác quản lý từ hoàn thiện đồng bộ các văn bản pháp lý đến quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.