(HNM) - Trong khi những bộ phim về đề tài xã hội vốn được coi như
Một cảnh trong phim “Cuồng phong”. |
Không chỉ là đề tài
Với đề tài chống tham nhũng, Ám ảnh xanh (36 tập, Chi nhánh Hãng Phim truyện VN tại TP Hồ Chí Minh) lên sóng VTV1 trong suốt hơn ba tháng vừa qua nhưng tiếc rằng bộ phim chưa tạo được hiệu ứng xã hội mạnh mẽ như nhiều người kỳ vọng, dù ê-kíp làm phim gồm những nghệ sĩ tên tuổi… Tiếp sau đó, Cuồng phong (41 tập, Nhất Tâm - Lasta Film và Chi nhánh Hãng Phim truyện VN tại TP Hồ Chí Minh) xoay quanh cuộc điều tra hình sự của vụ án buôn bán ma túy cỡ lớn, cũng với đội ngũ các nhà làm phim “cứng” với đạo diễn là một trưởng phòng của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - VTV(VFC), thời gian làm phim ngót nửa năm trời và kinh phí đầu tư khá hơn so với phim “nhà đài”, nhưng cũng vẫn chưa tạo nên “cơn sốt”.
Khi “dấn thân” vào mảng đề tài xã hội, các nhà làm phim xã hội hóa đứng trước thách thức: làm sao mới hơn và hấp dẫn hơn, vì các phim của “nhà đài” đã liên tục cày xới mảng đề tài này với hàng trăm tập phim phản ánh nhiều khía cạnh cuộc sống. Khán giả không chỉ bị thu hút bởi cái lạ hay vấn đề “nóng” mà quan trọng hơn là phim có dám nói những vấn đề mới mẻ mà trước đó chưa từng được nói. Có thể thấy, Ám ảnh xanh là câu chuyện “hậu chiến” không mới, các phim trước đó đã khai thác khá nhiều, như: Đi tìm dĩ vãng, Ba lần và một lần… Ám ảnh xanh là sự tiếp nối câu chuyện trong Ba lần và một lần nên ít nhiều khán giả nhầm tưởng phim “bị” làm lại. Còn câu chuyện các nhà báo vào cuộc theo dõi một tổ chức buôn bán ma túy trong Cuồng phong cũng không phải “món lạ” vì VFC đã khai thác đề tài này suốt nhiều năm qua…
Với các bộ phim về đề tài xã hội, đòi hỏi các nhà làm phim phải khai thác đến “độ” các tình tiết hay thậm chí đẩy các tình huống tạo nên sức “nóng” của mỗi cảnh phim. Chi tiết công an nhận phong bì trong Cổ cồn trắng, hành vi dùng máy tính rút hàng triệu đô la của ngân hàng để đi đánh bạc trong Chạy án, những màn xung đột giữa cán bộ và dân trong các phim về đề tài nông thôn, hay những vấn đề bí mật ở các khoa sản của bệnh viện lần đầu tiên được khắc họa tỉ mỉ, sâu sắc, sinh động và chân thực trong Nữ bác sỹ vẫn còn được nhiều khán giả nhắc nhớ. Có khá nhiều đề tài “nóng” đã được xới xáo nhưng không đi được đến cùng nên khi phát sóng chưa tạo được hiệu ứng xã hội nhất định. Nhà văn Nguyễn Như Phong - tác giả kịch bản Cổ cồn trắng, Chạy án… cho rằng: “Người viết kịch bản ở Việt Nam không phải không có tài nhưng không dám nói một cách thẳng thắn về những tiêu cực, cái xấu trong xã hội. Phim đụng chạm đến các vấn đề tiêu cực của xã hội thường hời hợt. Cái đáng nói lại không nói và nhiều khi mượn lời của nhân vật để chửi vung lên”. Anh cho biết thêm: “Phim Trung Quốc dám nói thẳng, nói thật, dám đi vào những vấn đề nảy sinh phức tạp của đời sống xã hội mà không sợ mang tiếng “nói xấu chính quyền” bởi người ta dám... sòng phẳng, công khai”.
Dũng cảm và nhạy bén, nhưng…
Các nhà làm phim xã hội hóa chuyển hướng sản xuất những bộ phim về đề tài xã hội nằm trong những nỗ lực của “nhà đài” tìm cách “đổi món”. Không chỉ đem đến những món ăn tinh thần phong phú, hấp dẫn mà còn góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng phim. Với nước ta, phim truyền hình ngoài chức năng giải trí còn gánh vác nhiệm vụ cao cả là chuyển tải những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thì càng nên khuyến khích có nhiều bộ phim về đề tài xã hội.
Điều băn khoăn không phải ở chỗ các hãng phim xã hội hóa có mạnh dạn làm phim về đề tài xã hội hay không. “Các nhà làm phim tự kiểm duyệt ngay từ chính họ mới là điều đáng lo ngại cho cả phía nhà sản xuất và phía duyệt nội dung. Chúng tôi muốn thay đổi tư duy, nhưng không dễ một sớm một chiều để các đối tác thay đổi theo vì họ đã bị chi phối và tác động của loại phim “tuyên truyền” quá lâu…”, bà Thùy Linh - Phó Giám đốc VFC, Ủy viên Hội đồng Duyệt phim xã hội hóa của VTV - nói. Dường như tâm lý “an toàn” từ nhà viết kịch bản cho đến đạo diễn và các nhà biên tập trước khi đưa đến tay nhà sản xuất và “nhà đài” trở thành căn bệnh cố hữu. Vả lại, mạo hiểm đưa ra những vấn đề “nhạy cảm” thì sẽ được ai bảo vệ hay là bị cắt? Mà nhuận bút thì vẫn vậy. “Với phim có giá trị lớn về nội dung thì lựa chọn ê kíp làm phim giỏi với mức nhuận bút phù hợp khả năng, đủ để họ yên tâm sáng tạo mà không bị thúc ép về thời gian, chi phí sản xuất hạn hẹp…” - đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc VFC bày tỏ.
Để khuyến khích hay kích thích các nhà làm phim xã hội hóa “mạo hiểm” thì cần thay đổi về tư duy duyệt phim. Khi các nhà làm phim đã mạnh dạn phản ánh trực diện đời sống thì đến lúc những người “cầm cân, nảy mực” cần phải biết bảo vệ, nâng đỡ những tư tưởng tiến bộ, những đường hướng tích cực... để khuyến khích sự mạnh dạn, sáng tạo của nghệ sĩ. “Các nhà duyệt phim muốn thay đổi tư duy thì cần có thời gian, chứ không thể ngày một ngày hai”, một vị trong Hội đồng Duyệt phim xã hội hóa của VTV chia sẻ.
Ngoài chuyện xét duyệt còn cơ chế đầu tư, thời gian sản xuất…, chưa nói đến nguồn kịch bản về đề tài này quá khan hiếm cũng như các nhà làm phim thiếu vốn sống khi triển khai đề tài, khiến không ít phim lên sóng thiếu thuyết phục...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.