Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cận Tết, giá rau xanh giảm mạnh

Minh Phú| 17/01/2017 07:15

(HNM) - Những ngày giáp Tết, các vùng sản xuất rau của thành phố cũng tất bật để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, cùng với thịt lợn, hoa ly, thị trường hàng nông sản cũng đang chứng kiến giá rau xanh bán tại ruộng của nông dân rớt giá mạnh. Điều này có thể là tín hiệu vui cho người tiêu dùng khi nguồn cung dồi dào, giá rẻ,

Dự báo nguồn cung rau xanh dịp Tết sẽ dồi dào. Ảnh: Bùi Tuấn



Hiện tổng diện tích canh tác rau của Hà Nội khoảng 12.000ha; trong đó có 5.044ha được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, 224ha rau VietGAP và gần 50ha rau hữu cơ. Thành phố đã xây dựng 8 cơ sở sơ chế gắn với vùng sản xuất tập trung và 64 cơ sở sơ chế nhỏ của hợp tác xã và doanh nghiệp.

Khảo sát một số vùng chuyên canh rau lớn trên địa bàn thành phố, chúng tôi thấy giá rau bán tại ruộng giảm mạnh. Ông Trần Đức Vinh, Chủ nhiệm HTX Rau an toàn Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) cho hay: Rau bán tại ruộng ở Yên Mỹ rất rẻ, như cà chua chỉ bán được 2.500-3.000 đồng/kg, giá bắp cải 1.500-1.700 đồng/kg, su hào 2.000 đồng/củ; đắt nhất là súp lơ 5.000-6.000 đồng/cây. Với giá này, người trồng rau chỉ thu lại được tiền giống, vật tư, còn công trồng, chăm sóc trong thời gian 2 tháng cho mỗi lứa rau hầu như không có.

Tương tự, ông Lê Xuân Bình, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Đông Lai (xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn) cho biết: 15 ngày nay, giá rau xanh rất thấp. Mấy ngày qua, trời Hà Nội có mưa phùn, theo kinh nghiệm của người trồng rau thì sau mưa, rau sẽ còn rẻ hơn do bắp cải, súp lơ bung nở, cà chua bị nứt quả khiến người làm ruộng phải “bán tháo”.

Trong khi rau thông thường mất giá thì rau hữu cơ và một số rau sản xuất theo quy trình VietGAP vẫn giữ được giá ổn định. Tại xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, bà Hoàng Thị Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân xã khẳng định: Rau hữu cơ ở xã vẫn tiêu thụ ổn định với sản lượng 50-60 tấn/tháng. Rau hữu cơ Thanh Xuân được phân phối trên 3 kênh: Bán trực tiếp đến người tiêu dùng, bán tại các đại lý và bán cho các hệ thống bán lẻ. Toàn bộ sản lượng rau đều có hợp đồng tiêu thụ ổn định cả năm nên không bị dao động bởi thị trường. Trong khi đó, tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, sản phẩm rau được bán đa dạng như: Cải ngọt, cải bó xôi, rau muống, dưa leo, bí, cà chua,... Mặc dù giá bán cao hơn so với rau thông thường bán ở chợ nhưng nhiều người dân vẫn tin tưởng lựa chọn loại thực phẩm được dán nhãn tiêu chuẩn.

Lý giải về nguyên nhân giá rau rẻ, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thoa cho biết: Thông thường với vụ đông, nông dân Hà Nội có truyền thống trồng thêm vụ rau trên đất hai lúa nên diện tích rau tăng hơn so với các vụ khác. Trong khi đó, ngoài một số ít vùng sản xuất đã liên kết được các chuỗi tiêu thụ sản phẩm, ký hợp đồng ổn định, thì phần lớn diện tích rau vẫn trồng theo kiểu tự phát, chưa có liên kết nên chịu sự bấp bênh của thị trường. Như tại xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì), tuy trồng rau an toàn nhưng 80% rau vẫn phải bán cho thương lái như rau thông thường, chỉ 20% là ký được hợp đồng tiêu thụ ổn định với doanh nghiệp. Giá rau bán cho doanh nghiệp nhỉnh hơn so với rau thông thường từ 500-1.000 đồng/kg nên lãi rất thấp.

Bên cạnh đó, thời tiết năm nay diễn biến rất phức tạp. Mùa đông ấm là điều kiện để cây rau sinh trưởng và phát triển nhanh hơn, cho thu hoạch sớm hơn dự tính của người trồng. Cung vượt quá cầu khiến giá rau giảm là không tránh khỏi.

Theo Chủ nhiệm HTX Rau an toàn Yên Mỹ Trần Đức Vinh, xã Yên Mỹ là vùng chuyên canh rau với diện tích 70ha và 242 hộ làm rau. Giá rau rẻ khiến hàng trăm hộ dân thất vọng khi Tết Nguyên đán đang đến gần. Do đó về lâu dài, bà con mong thành phố sớm xây dựng trung tâm bán và giới thiệu rau quả để nông dân có chỗ bán buôn nông sản. “Tôi được biết Hà Nội đã quy hoạch xây dựng khu trung tâm bán và giới thiệu rau quả từ rất lâu nhưng vẫn chưa triển khai” - ông Vinh cho biết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cận Tết, giá rau xanh giảm mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.