Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần tạo sự đồng thuận

Nhóm PV PSĐT| 08/04/2014 06:38

(HNM) - Quyết định góp vốn về quê hương đầu tư, lập trang trại giúp cải thiện môi trường và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương nhưng gần 2 năm nay, bà Trần Mỹ Hạnh (Việt kiều tại Mỹ) đã phải gõ cửa nhiều cơ quan chức năng...


Bức xúc của người dân

Trong đơn gửi Báo Hànộimới, bà Trần Mỹ Hạnh, quốc tịch Mỹ (hiện đang trú tại số nhà 265 đường Phan Bá Vành, quận Bắc Từ Liêm) và bà Vũ Thị Bền (trú tại Đầm Trấu, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng) phản ánh: Năm 2004, bà Hạnh và 15 người khác nhận chuyển nhượng một số thửa đất 5% (đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) của 21 hộ dân phường Trần Phú, quận Hoàng Mai. Sau khi nhận chuyển nhượng, bà Hạnh và 15 người nêu trên đã đầu tư cải tạo hạ tầng, xây dựng trang trại chăn nuôi, trồng cây ăn quả và xây nhà cấp 4 trên tổng diện tích đất nông nghiệp là 4.506m2. Kể từ khi đi vào hoạt động, trang trại thu hút, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương. Cũng từ năm 2005 đến nay, trang trại hoạt động bình thường, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, quá trình sử dụng không xảy ra tranh chấp, khiếu kiện liên quan quyền sử dụng đất.

Một góc khu trang trại của bà Hạnh và một số cá nhân nằm trong diện bị thu hồi.


Ngày 16-11-2009, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 6071/QĐ-UBND thu hồi 810.577m2 đất tại phường Trần Phú và Yên Sở, giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khu đất đối ứng C2 Dự án xây dựng nhà máy nước thải Yên Sở. Diện tích trang trại 4.506m2 của bà Hạnh và 15 hộ dân khác cũng nằm trong diện tích bị thu hồi để thực hiện dự án. Trong quá trình UBND phường Trần Phú và Ban GPMB quận Hoàng Mai xác lập phương án bồi thường, bà Hạnh và 15 hộ dân đã cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan việc chuyển nhượng, giấy xác nhận đất 5% của Hợp tác xã Khuyến Lương. Cũng trong thời gian này, 21 hộ dân có đất chuyển nhượng đồng thời làm đơn đề nghị cơ quan thực hiện dự án thanh toán tiền bồi thường cho 16 hộ dân đã nhận chuyển nhượng số đất nói trên. Mặc dù "người bán" từ chối nhận tiền bồi thường nhưng đến ngày 25-7-2011, UBND phường Trần Phú vẫn phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho 21 hộ dân có đất đã chuyển nhượng. Việc này chẳng khác gì tước bỏ quyền lợi của bà Hạnh và 15 hộ gia đình đã đầu tư không biết bao nhiêu tiền của, công sức để lập lên trang trại suốt 10 năm qua. Nguy cơ mất trắng quyền lợi khiến bà Hạnh và 15 hộ gia đình như ngồi trên đống lửa.

Sẵn sàng hợp tác

Ngay sau khi nhận được đơn thư khiếu nại của người dân, sáng 7-4-2014, chúng tôi đã về phường Trần Phú, tiếp xúc với một số người có đất chuyển nhượng cho nhóm của bà Hạnh, bà Bền. Có một thực tế khiến người dân ở đây bất bình là việc UBND phường Trần Phú ép các hộ dân đã bán đất đến lấy tiền đền bù của phần đất đã bán, nếu không nhận sẽ bị giữ sổ đỏ nên nhiều người đành phải nhận tiền, mặc dù biết rõ việc này không phù hợp với cam kết.

Đưa chúng tôi xem phần tiền 36 triệu đồng còn dán kín trong phong bì, ông Nguyễn Sỹ Khương, số nhà 16, đường Khuyến Lương, tổ 18 phường Trần Phú, Hoàng Mai cho biết: "Gia đình tôi đã chuyển nhượng cho bà Bền phần đất 5% có tổng diện tích là 144m2. Khi Dự án C2, khu xứ Đồng, Cát Thượng triển khai, chính quyền phường đã nhiều lần yêu cầu chúng tôi đến để làm các thủ tục, cho dù chúng tôi đã thông báo phần đất này đã chuyển nhượng và gia đình không còn bất kỳ quyền lợi nào liên quan. Vì tổng diện tích trong "sổ đỏ" của gia đình là gần 4.000m2, lại có 2 vị trí nằm trong diện GPMB nên gia đình buộc phải đến phường nhận tiền đền bù, nếu không phường sẽ giữ lại "sổ đỏ". Đến nay, số tiền đền bù phần đất 5% đã chuyển nhượng cho bà Bền, chúng tôi vẫn không động chạm một xu. Mình đã bán cho người ta cả chục năm nay, ai nỡ làm cái việc tráo trở ấy".

Còn theo ông Lương Xuân Hưởng, cụm dân cư số 9, phường Trần Phú, trước đây khu đất đó là đồng trũng trồng rau muống. Khi nhận chuyển nhượng, nhóm bà Bền đã san lấp, tôn tạo nhưng vẫn duy trì đúng mục đích sử dụng, chỉ trồng cây và chăn nuôi. Những cá nhân này đã bỏ ra cả chục tỷ đồng để san lấp, cải tạo đất để làm trang trại chăn nuôi và trồng cây ăn quả lâu năm. "Bao nhiêu công sức, mồ hôi, vốn liếng của người ta bỏ ra trong suốt chục năm qua, giờ tiến hành GPMB nhưng phương án hỗ trợ đền bù chỉ được 252.000đ/m2 thì quá thiệt thòi, không chấp nhận được, đã thế lại không đúng đối tượng" - ông Hưởng nhấn mạnh.

Trao đổi với PV Báo Hànộimới, bà Trần Mỹ Hạnh bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng xem xét thấu tình đạt lý, tạm dừng việc cưỡng chế thu hồi đất, giữ nguyên hiện trạng của trang trại để chờ kết luận cuối cùng của các cơ quan có thẩm quyền. "Ngay khi vấn đề bồi thường, hỗ trợ về đất thực hiện đúng đối tượng, đúng mức bồi thường, hỗ trợ, các hộ dân sẽ tự nguyện di dời toàn bộ trang trại theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền mà không cần phải có quyết định cưỡng chế nào. Người dân chúng tôi sẵn sàng hợp tác bàn giao mặt bằng, cho dù phải gánh chịu nhiều thiệt thòi" - Bà Hạnh khẳng định.

Chính quyền địa phương nói gì?

Để làm rõ vụ việc, PV Báo Hànộimới có buổi làm việc với đại diện UBND phường Trần Phú. Ông Hồ Xuân Minh, Chủ tịch UBND phường và ông Nguyễn Thanh Tú, cán bộ Ban Địa chính - xây dựng phường cho hay, UBND phường đã biết việc mua bán đất 5% của các hộ dân diễn ra từ năm 2004. Việc mua bán này không có xác nhận của chính quyền địa phương. Trong quá trình thực hiện dự án, phía các hộ mua (đại diện là bà Bền) đã cung cấp các giấy tờ mua bán, nhưng chỉ là giấy photo. Theo hồ sơ lưu giữ tại phường, tổng số diện tích đất nông nghiệp mà bà Vũ Thị Bền và 15 hộ dân đang quản lý sử dụng là 4.506m2 , trong đó có 2.866,2m2 đất nông nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 21 hộ gia đình có đất nông nghiệp tại xứ Đồng, Cát Thượng (nay đã chuyển nhượng cho bà Bền); diện tích còn lại 1.639,8m2 là đất bờ vùng, bờ thửa.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc tại sao các hộ dân đã chuyển nhượng đất cho bà Bền và những cá nhân khác, nhưng khi lập phương án bồi thường GPMB, UBND phường không căn cứ vào điều này, ông Minh lý giải: "Do các hộ dân mua bán qua trung gian, không có xác nhận của chính quyền địa phương nên các giấy tờ cung cấp chưa đủ về mặt pháp lý. Hơn nữa, trong quá trình làm việc, 21 hộ dân chưa có sự hợp tác nên UBND phường phải sử dụng hồ sơ do phường đang quản lý để tiến hành các thủ tục cần thiết. Đến nay, đa số hộ dân đã nhận tiền đền bù GPMB đối với khu đất này".

Lập luận của đại diện UBND phường Trần Phú chưa thực sự thuyết phục bởi ngay từ ngày 6-12-2011, 16 hộ dân có đất nhận chuyển nhượng (chủ trang trại) đã có đơn gửi các cơ quan chức năng, trong đó có UBND phường Trần Phú. Khi phóng viên đưa ra lá đơn này để chứng minh, ông Minh và ông Tú nói rằng "phường chưa nhận được" và xin phép photo lại(!?). Hơn thế, ông Minh khẳng định chắc chắn rằng "trong quá trình giải quyết các thắc mắc, khiếu nại của người dân, mọi trao đổi, phường đều làm việc với bà Bền chứ không hề biết bà Hạnh (quốc tịch Mỹ) là ai". Thế nhưng, trong hồ sơ mà phóng viên Báo Hànộimới lưu giữ thì tất thảy công văn, giấy tờ của Tổ công tác GPMB phường Trần Phú lại được gửi thư bảo đảm đến đích danh bà Trần Mỹ Hạnh (!?).

Ngày 4-4-2014, nhóm PV Báo Hànộimới đã đến UBND quận Hoàng Mai nhằm làm rõ thêm một số vấn đề liên quan Dự án khu đối ứng C2. Nhân viên văn phòng cho biết cán bộ quận đang bận họp, sẽ chủ động liên lạc với phóng viên khi xếp được lịch làm việc. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần tạo sự đồng thuận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.