(HNM) - Thực tiễn hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp (DN) dân doanh Hà Nội thời gian qua cho thấy những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế cả về chủ quan, khách quan cần sớm giải quyết để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN nhỏ và vừa (DNNVV) phát triển trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng. Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV TP Hà Nội về vấn đề này.
Sản xuất bún khô tại Công ty CP Thực phẩm Minh Dương (huyện Hoài Đức).Ảnh: Bá Hoạt |
- Ông có thể cho biết tình hình hoạt động của DNNVV hiện nay?
- Hiện, DNNVV chiếm hơn 97% tổng số DN trên địa bàn thành phố, đóng góp khoảng 40% GDP và tạo ra hơn 50% việc làm. Nhiều chuyên gia kinh tế trong nước nhận định, thế mạnh của DNNVV nước ta nói chung, Hà Nội nói riêng là vốn đầu tư ban đầu thấp, thu hồi vốn nhanh; bộ máy tổ chức, quản lý sản xuất gọn nhẹ; lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đa dạng, khả năng ứng biến linh hoạt… Tuy nhiên, DNNVV cũng bộc lộ những mặt hạn chế, như phát triển tự phát, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết; trình độ quản lý và năng lực tài chính yếu, khả năng cạnh tranh không cao. Đặc biệt, do quy mô "vừa và nhỏ", nên bất lợi trong cạnh tranh.
- Ông bình luận gì về ý kiến cho rằng DNNVV Hà Nội đang gặp khó khăn hơn so với thời gian trước? Nếu đúng thì đâu là nguyên nhân?
- Về ý kiến này, tôi cho là đúng. Số lượng DN đăng ký giải thể ngày càng tăng, trong khi đó số lượng DN thành lập mới tăng không đáng kể. Một số đơn vị hiện chỉ hoạt động cầm chừng.
Nguyên nhân khách quan của tình trạng trên là tình hình kinh tế vĩ mô còn khó khăn, các dự án có vốn ngân sách nhà nước bị cắt giảm mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu của các DN vừa và nhỏ. Nhiều DN vay vốn ngân hàng bị quá hạn do dòng tiền từ các dự án có vốn ngân sách nhà nước giải ngân chậm so với kế hoạch. Ngoài ra DN trên địa bàn Hà Nội còn gặp khó khăn do sự chồng chéo giữa các quy định nhà nước, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
Nguyên nhân chủ quan chính là những bất cập, hạn chế của đội ngũ DNNVV, vốn đã tồn tại từ lâu chưa được giải quyết. Nhiều DN hạn chế về sức sáng tạo, yếu kém về năng lực quản lý, thiếu nguồn vốn và khả năng nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới. Các đơn vị cũng thiếu chủ động trong việc cập nhật các thông tin về quy định mới trong hoạt động kinh doanh, thiếu quan tâm đến xây dựng và bảo vệ thương hiệu… dẫn đến vi phạm quy định hoặc chịu những thiệt hại không đáng có.
- Ông đánh giá thế nào về mức độ hài lòng của DN đối với các cơ quan quản lý?
- Theo khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội DNNVV Hà Nội thực hiện, đối với các đơn vị thành viên thì mức độ hài lòng của DN đối với các dịch vụ công đang ngày càng được cải thiện. Trong đó, các lĩnh vực được cải thiện nhiều nhất là thủ tục hành chính thuế, hải quan và thủ tục đăng ký thành lập DN. Điều này tạo bước chuyển rất quan trọng và khá kịp thời nhằm đáp ứng những nhu cầu chính đáng của DN, góp phần hỗ trợ DN trong hoàn cảnh khó khăn.
Xét về "gốc" vấn đề, những chuyển biến tích cực trên là do chủ trương, chính sách cải thiện dịch vụ hành chính công của các cấp lãnh đạo TƯ và địa phương, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các ngành liên quan. Nhìn chung, niềm tin của DN đối với cơ quan quản lý đang trên đà gia tăng. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có những chỉ đạo, như một thông điệp mạnh mẽ đến các cơ quan công quyền nhằm xác lập kỷ cương, thượng tôn pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN.
- Theo ông, DNNVV đã được đối xử công bằng chưa? Ông có kiến nghị gì để DNNVV phát triển nhanh và bền vững hơn?
- Theo tôi, hiện nay các DNNVV chưa được đối xử công bằng trên nhiều mặt. Trong đó nổi bật nhất là các vấn đề với thủ tục hành chính công và khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay ngân hàng. Những khó khăn trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan.
Để DN phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, các bộ, ngành cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời để các DNNVV được hoạt động trong một môi trường kinh doanh công bằng và bình đẳng. Trước mắt là làm tốt các công việc liên quan để đưa nội dung Luật DN và Luật Đầu tư vào cuộc sống. Ngoài ra, các DN cũng phải không ngừng đổi mới, hoàn thiện, xây dựng mô hình kinh doanh hiện đại, phù hợp với quy định của pháp luật và đòi hỏi của thị trường. Trong đó, cần chú trọng xây dựng quy trình quản lý hoạt động kinh doanh và quản lý tài chính, để từ đó xây dựng các phương án kinh doanh khả thi và có thể tiếp cận được với các nguồn vốn vay ngân hàng.
- Vậy, cần làm gì để rút ngắn khoảng cách từ chính sách đến thực hiện?
- Để rút ngắn khoảng cách giữa chủ trương, chính sách với việc triển khai thực hiện cần có sự phối hợp chặt chẽ, tinh thần cởi mở giữa chính quyền các cấp và cộng đồng DN. Trong đó, chính sách phải được xây dựng phù hợp với thực trạng, yêu cầu phát triển cũng như phù hợp cam kết hội nhập quốc tế nhằm đáp ứng nguyện vọng chính đáng của DN. Cần xác định rõ DN là đối tượng phục vụ. Khi áp dụng chính sách vào thực tiễn, các cơ quan quản lý cũng cần lắng nghe những phản hồi của DN, từ đó đưa ra những điều chỉnh phù hợp...
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.