(HNM) - Không chỉ được coi là giải pháp cho giáo dục ĐH đang quá tải ở nhiều khía cạnh, giáo dục mở và từ xa (GDM-TX) còn góp phần thực hiện bình đẳng trong giáo dục, tạo cơ hội cho nhiều người được học, học thường xuyên, học suốt đời... Tuy nhiên, hệ thống này còn cần những bước phát triển lớn cả về quy mô lẫn chất lượng để làm nòng cốt xây dựng xã hội học tập ở nước ta.
Mô hình nào thích hợp?
Dù loại hình đào tạo từ xa ở Việt Nam đã hình thành được 15 năm, nhưng đến nay số SV theo học chỉ hơn 230.000 người. Trong khi đó, theo Viện trưởng Viện ĐH Mở Hà Nội Lê Văn Thanh, Chính phủ đã đề ra chỉ tiêu đến năm 2010 có ít nhất 20% sinh viên học tập theo phương thức giáo dục từ xa, tức là tương ứng với 300.000 SV. Tại hội nghị của các trường ĐH mở châu Á diễn ra tuần qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: "Con số nói trên là chưa thể hài lòng đối với một đất nước có 86 triệu dân, trong đó có 45 triệu lao động nhưng chỉ 10 triệu lao động qua đào tạo".
Giáo dục từ xa là hướng phát triển tích cực cho mục tiêu xã hội hóa giáo dục nhưng chưa được quan tâm đúng mức. |
Theo nhiều chuyên gia, có một số vấn đề thiếu hợp lý đang diễn ra: Theo quy định của Nhà nước, các ĐH trọng điểm phải đi đầu trong việc đào tạo chất lượng cao, còn 2 ĐH mở ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có chức năng đặc biệt là GDM-TX. Tuy nhiên, hiện các ĐH trọng điểm, kể cả 2 ĐH quốc gia, đều có số SV không chính quy đông, ở nhiều trường là trên dưới 60%. Trong khi đó, SV theo học loại hình không chính quy ở 2 ĐH mở lại thấp.
Còn theo ông Lê Văn Thanh, Viện trưởng Viện ĐH Mở Hà Nội, mặc dù lấy giáo dục từ xa làm loại hình trọng điểm, song vẫn cần phải nghĩ tới chuyện "nuôi" ĐH chính quy, tăng cường tích lũy cho đào tạo chính quy bằng chính việc tăng cường loại hình đào tạo từ xa. Bởi theo ông Thanh, loại hình đào tạo chính quy là nơi giữ chân các giảng viên, nơi giúp các giảng viên có môi trường tiếp xúc với sinh viên. Trong khi với giáo dục từ xa, giáo viên chủ yếu làm học liệu và giải đáp các thắc mắc của học viên. Lãnh đạo Viện ĐH Mở Hà Nội cho rằng, loại hình trọng điểm là giáo dục từ xa chiếm tới 65% trong số các loại hình khác như viện đang thực hiện là thích hợp.
Ngoài ra, theo lãnh đạo Viện ĐH Mở Hà Nội, có nhiều học viên sau một thời gian học đã chuyển từ loại hình đào tạo chính quy sang đào tạo từ xa. Sự linh hoạt trong chuyển đổi các loại hình có thể giúp người học chọn cho mình hình thức phù hợp và giảm bớt chi phí (chi phí một khóa học từ xa hiện khoảng 7,2 triệu đồng).
Còn băn khoăn về chất lượng
Cũng như các trường công lập khác, học phí là một vấn đề khúc mắc không nhỏ đối với các trường GDM-TX. Nhận xét về điều này, Viện trưởng ĐH Mở Hà Nội Lê Văn Thanh cũng cho biết, hệ chính quy của nhà trường có nhiều ngành đào tạo đòi hỏi chi phí cao, đầu tư nhiều trong khi quy mô lớp lại nhỏ như ngành công nghệ thông tin, tạo dáng công nghiệp... Mức thu học phí khoảng 300.000 đồng/tháng như hiện nay là không thể đủ. Từ đó Viện trưởng đã mạnh dạn đề xuất: Mức học phí của Viện ĐH Mở nên là mức trung bình giữa trường công lập và trường dân lập. Mức đó có thể được người học chấp nhận trong khi vẫn giữ được tính ưu việt của hệ thống trường công lập. Nhận xét về đề xuất này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, nhà trường có thể tăng nguồn thu vì vẫn còn "không gian thu thêm", tuy nhiên Phó Thủ tướng lưu ý nhà trường nên gắn việc thu thêm với nâng cao chất lượng đào tạo.
Không chỉ ở Việt Nam, vấn đề chất lượng GDM-TX vẫn được tranh cãi ở nhiều nước trên thế giới. Ở nước ta hiện nay không có trường ĐH mở từ xa thuần túy mà các cơ sở GDM-TX còn cung cấp cả giáo dục truyền thống. Để bảo đảm tính đặc thù của loại hình này, theo ông Trần Văn Nghĩa, Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT, có thể kiểm định cách thức tổ chức, điều hành các hoạt động GDM-TX như một bộ phận của một trường ĐH.
Còn theo bà Nguyễn Thúy Nga, Trường ĐH Mở TP Hồ Chí Minh, nhìn chung công tác bảo đảm chất lượng cho chương trình GDM-TX vẫn chia sẻ nhiều nét chung với hệ chính quy. Chính vì vậy, việc học tập từ xa chưa thể phát huy những điểm mạnh vốn có, tạo sự chủ động của người học, sự linh hoạt trong truyền đạt và tiếp thu kiến thức.
Ông Lê Nam Hải, Trung tâm Đào tạo từ xa (ĐH Huế) cho rằng, để tránh tình trạng cạnh tranh về số lượng dẫn đến tùy tiện rút ngắn thời gian đào tạo của một số cơ sở, Bộ GD-ĐT cần phải thống nhất về chương trình, thời gian đào tạo cho các hệ ngắn hạn hoặc dài hạn. Ngoài ra, trong điều kiện nước ta hiện nay, việc đào tạo từ xa bằng công nghệ hiện đại như internet, e-learning, truyền hình hội nghị... là chưa phổ cập. Từ đó, ông Hải nêu quan điểm nên tiến hành theo hướng đào tạo kết hợp: những vùng nào phát triển cao thì sử dụng công nghệ hiện đại nhiều hơn, các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa thì theo công nghệ truyền thống là chủ yếu (qua giáo trình, tài liệu, giải đáp thắc mắc...).
Ông Trần Văn Nghĩa, đại diện Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD, Bộ GD-ĐT cũng cho biết, đơn vị đang xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng các cơ sở GDM-TX và dự kiến sẽ ban hành vào cuối năm 2010.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.