(HNM) -
Người dân lựa chọn mua sản phẩm tại siêu thị Fivimart. Ảnh: Linh Tâm
Năm qua, mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực từ suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ cả năm vẫn tăng hơn 25%. Năm 2010 cũng là năm ghi nhận những nỗ lực to lớn của các DN phân phối bán lẻ về mở rộng cơ cấu và mạng lưới, phục vụ ngày càng tốt hơn cho nhu cầu cao, đa dạng của người tiêu dùng. Theo ngành chức năng, năm qua nước ta vẫn nằm trong top 15 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Song, các "đại gia" nước ngoài chưa "đổ bộ" rầm rộ vào Việt Nam, vì họ cho rằng thị trường nước ta vẫn ở dạng tiềm năng... Dự báo, năm nay thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục sôi động, bởi có thêm nhiều đơn vị tham gia từ các thành phần kinh tế khác nhau đang làm cầu nối hữu hiệu giữa sản xuất - tiêu dùng và tham gia bình ổn thị trường, đồng thời tích cực góp phần vào cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Tuy nhiên, đại diện Tổng Công ty Thương mại Hà Nội cho biết, trong kinh doanh bán lẻ, địa điểm đóng vai trò quan trọng. Các DN phân phối bán lẻ trong nước muốn tập trung phát triển hạ tầng, nhưng vướng nhất hiện nay vẫn là mặt bằng. Đến địa phương nào DN cũng phải chấp nhận thuê lại những phần đất của các DN tư nhân. Cùng quan điểm này, đại diện Công ty CP Tập đoàn Phú Thái phản ánh một thực tế là hiện nay nhiều địa phương "trải thảm đỏ" với các DN nước ngoài. Những địa điểm đẹp DN nước ngoài đều được ưu ái, nên DN trong nước khó có thể phát triển. Cùng với khó khăn về mặt bằng, các DN bán lẻ trong nước còn gặp nhiều vướng mắc trong các hoạt động khác. Chẳng hạn, trình độ nhân lực, khả năng cạnh tranh về giá, lương của người lao động… Đại diện hệ thống siêu thị Fivimart chia sẻ, nhân sự là vấn đề "nổi cộm" của đơn vị này. Fivimart có hơn 1.000 nhân viên, nếu chỉ cần tăng lương 100.000đ/người/tháng, mỗi tháng quỹ lương sẽ đội thêm 100 triệu đồng, DN lấy gì bù?. Nhưng, sau khi được đào tạo, các nhân viên này lại "nhảy" sang DN bán lẻ khác trả lương cao hơn. Nếu tăng lương cho lao động, phần phụ trội được tính vào giá hàng hóa, khi đó DN trong nước sẽ kém lợi thế cạnh tranh với DN nước ngoài về giá... Đại diện Vinatex Mart lại cho rằng, trong kinh doanh, sự liên kết của các DN trong nước thiếu tính bền vững. Trong khi các DN có yếu tố nước ngoài đang thao túng thị trường bằng cách mua bán đứt đoạn và buộc DN trong nước phải bán theo giá ấn định. Đó là chưa kể, hiện các DN trong nước còn hạn chế về chuyên môn và hầu hết chưa thực sự quan tâm đến việc quảng bá, trưng bày sản phẩm, trong khi các DN nước ngoài lại rất bài bản trong lĩnh vực này.
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang cần tạo dựng một mạng lưới bán lẻ chuyên nghiệp để cạnh tranh khi các DN nước ngoài ồ ạt nhảy vào thị trường đầy tiềm năng này. Song, với cơ chế chính sách như hiện nay cộng với tình trạng nhiều DN nặng dựa dẫm, chưa chủ động "tự bơi" khiến DN trong nước hoạt động khó khăn. Điều này có thể thấy, qua các cuộc đấu giá các mặt bằng kinh doanh lớn, các mặt bằng đẹp đều vào tay các DN nước ngoài. Trong khi đó, hầu hết các DN trong nước có quy mô nhỏ và vừa, vốn hạn chế, nên muốn xây dựng cơ sở vật chất để phát triển không dễ... Để tháo gỡ những khó khăn trên, một mặt ngành chức năng cần có chính sách hỗ trợ, trước hết là vốn và nhất là cần có quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực để lãnh đạo DN có kiến thức quản lý và có tầm nhìn chiến lược. Bên cạnh đó, nhà nước cần sớm xây dựng văn bản pháp luật, chính sách phát triển hệ thống phân phối và bán lẻ một cách đồng bộ; nghiên cứu và đưa ra các biện pháp hỗ trợ DN thực hiện chương trình sản xuất, tiêu dùng nội địa, xử lý nghiêm các trường hợp thao túng thị trường; tăng cường chống tệ nạn buôn lậu, làm hàng giả, gian lận thương mại... nhằm tạo sự cạnh tranh bình đẳng cho các DN. Mặt khác, các DN phân phối bán lẻ trong nước cần chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực có tính chuyên nghiệp hóa cao, xóa bỏ tư tưởng dựa dẫm tồn tại từ thời bao cấp để vươn lên làm chủ thị trường nội địa. Làm tốt những vấn đề trên, các DN trong nước sẽ thuận lợi hơn khi khai thác lợi thế "sân nhà", mở rộng hệ thống phân phối bán lẻ và thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.