(HNM) - Ngày 13-3, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (Dự thảo).
Về quy định vai trò lãnh đạo của Đảng tại Điều 4, các ý kiến đánh giá việc bổ sung "Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình" là phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với vai trò lãnh đạo của Đảng được khẳng định trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đề nghị bổ sung "Đảng là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội" và cần quy định rõ quy chế để nhân dân có thể giám sát đối với Đảng.
Về chính quyền địa phương (Chương IX), ngay tại hội nghị cũng có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Có đại biểu đánh giá các quy định về chính quyền địa phương chỉ cần khái quát như Dự thảo là đủ, những nội dung cụ thể nên do luật định. Ngược lại, cũng có ý kiến đề nghị cần làm rõ mô hình, tổ chức chính quyền địa phương ngay trong Dự thảo. Nhấn mạnh quan điểm, xây dựng chính quyền địa phương là nhiệm vụ quan trọng nhất trong lần sửa đổi này, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) góp ý, các đơn vị hành chính của quốc gia không nhất thiết phải phân chia thành 4 cấp như Điều 115 trong Dự thảo mà chỉ cần cấp quốc gia, tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ và cấp cơ sở. Liên quan đến phần ngân sách, đại biểu đề nghị cần tách bạch ngân sách quốc gia và địa phương. Theo đó, Quốc hội chỉ quyết định ngân sách TƯ và ngân sách TƯ trợ cấp cho địa phương sẽ do Quốc hội quyết định. Ngân sách địa phương do địa phương quản lý và quyết định. Nhiều ý kiến cũng đề nghị làm rõ vai trò và cơ chế đại diện của HĐND tại địa phương.
Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về chế độ sở hữu về đất đai, nguyên tắc "quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ", cơ chế thu hồi đất, các vấn đề về quyền con người và tổ chức bộ máy nhà nước...
* Cùng ngày, Viện Nhà nước và Pháp luật (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề "Góp ý hoàn thiện các quy định trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân". Các ý kiến đánh giá, Dự thảo đã có sự phân biệt khá rõ ràng giữa các quyền thuộc về công dân Việt Nam và các quyền thuộc về mọi đối tượng có mặt hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng vẫn còn một số điều cần phân biệt rõ ràng giữa quyền con người và quyền, nghĩa vụ của công dân như quyền tự do đi lại tại Điều 24, tự do ngôn luận tại Điều 26...
* Ngày 13-3, tại Hà Nội, TƯ Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức hội nghị BCH mở rộng, lấy ý kiến của lãnh đạo TƯ Hội, Hội LHPN 63 tỉnh, thành phố và các cơ quan trực thuộc, đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tại Điều 27, nhiều ý kiến đề nghị giữ lại nội dung Điều 63 của Hiến pháp năm 1992 nhằm bảo đảm bình đẳng giới và tạo điều kiện cho phụ nữ thực hiện vai trò làm mẹ, tái tạo nòi giống, nguồn nhân lực của đất nước. Đề cập vấn đề gia đình và trẻ em, các ý kiến đồng tình cao đề nghị giữ lại nội dung Điều 64 trong Hiến pháp hiện hành "Gia đình là tế bào của xã hội" nhằm khẳng định vai trò của gia đình, nhất là trong tình hình hiện nay. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị tổ chức chính trị xã hội đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tầng lớp phụ nữ nên bổ sung thêm một điều quy định về Hội LHPN Việt Nam, với trách nhiệm tham gia xây dựng, đề xuất, phản biện, giám sát chính sách, pháp luật và đoàn kết, vận động phụ nữ thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm công dân.
* Chiều 13-3, Báo Quân đội nhân dân tổ chức buổi tọa đàm tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tham dự có các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các học viện, nhà trường trong quân đội. Buổi tọa đàm được tổ chức nhằm tập trung làm rõ hơn những vấn đề xây dựng quân đội và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc được nêu trong các điều, từ Điều 69 đến Điều 73 (Chương IV) Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đặc biệt là nội dung bổ sung tại Điều 70 (Chương IV).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.