Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Nguyễn Đức| 05/07/2011 07:16

(HNM) - Bộ GTVT vừa có Tờ trình Chính phủ số 3779/TTr-BGTVT Dự thảo Nghị quyết về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT). Một trong những nội dung dự thảo quy định đáng chú ý nhất là siết chặt tình trạng uống rượu, bia rồi tham gia giao thông.


Rượu, bia đồng hành cùng tai nạn


CSGT thường xuyên kiểm tra người điều khiển phương tiện tham gia giao thông 
Ảnh: Thái Hiền


Cuốn cẩm nang "Rượu bia và tai nạn giao thông" do Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu (GRSP) cùng Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Liên đoàn Mô tô quốc tế (FIA) phát hành khẳng định, ảnh hưởng của rượu, bia là yếu tố quan trọng làm tăng nguy cơ va chạm giao thông đường bộ cũng như mức độ nghiêm trọng của hậu quả chấn thương. Ở những quốc gia có mức thu nhập thấp và trung bình, từ 33% đến 69% lái xe tử vong và 8% đến 29% lái xe bị thương có sử dụng chất có cồn trước khi xảy ra va chạm. Tại nước ta, tình trạng lạm dụng rượu, bia rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đã được cơ quan chức năng liên tục cảnh báo. Theo Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, sau khi sử dụng rượu, bia, người điều khiển phương tiện dễ bốc đồng, đi xe với tốc độ cao. Rượu, bia còn gây ức chế não bộ làm người điều khiển có thể ngủ gật khi điều khiển phương tiện và là nguyên nhân làm giảm từ 10% đến 30% tốc độ phản ứng của lái xe…

Dù đã được cảnh báo nhiều, nhưng số người sử dụng loại chất kích thích này rồi điều khiển phương tiện vẫn luôn ở mức cao.

Siết chặt thực hiện luật

Việc cấm sử dụng rượu, bia rồi điều khiển phương tiện giao thông đã được quy định rõ trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008, có hiệu lực từ 1-7-2009. Cụ thể, cấm người điều khiển ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; cấm điều khiển mô tô, xe gắn máy khi trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25mm/l lít khí thở. Đã có những chế tài xử phạt nghiêm khắc hành vi vi phạm, nhưng việc thực hiện vẫn chưa được như mong muốn. Tình trạng sử dụng rượu, bia quá mức rồi điều khiển ô tô, xe máy vẫn diễn ra phổ biến.

Theo Bộ GTVT, một trong những nguyên nhân dẫn đến tồn tại trên là sự lơi lỏng trong công tác quản lý; việc chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT chưa thường xuyên, liên tục. Trên thực tế, lực lượng chức năng thường chỉ dừng xe, kiểm tra khi đã phát hiện vi phạm Luật Giao thông. Việc dừng xe kiểm tra nồng độ cồn chưa nhiều. Đó là lý do trong dự thảo Nghị quyết tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự ATGT, việc kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng rượu, bia được đưa lên hàng đầu với nhiều nội dung cụ thể: "Thủ trưởng các cơ quan nhà nước, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, nhân viên gương mẫu chấp hành quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện, không uống rượu, bia trước khi lái xe. Đồng thời, ban hành quy định trong cơ quan, đơn vị không uống rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa, kể cả liên hoan, tiếp khách; xử lý kỷ luật nghiêm người vi phạm…".

Mục đích của đề xuất này nhìn chung là tốt, nhưng việc ban hành quy định cấm như vậy có thể cứng nhắc và liệu có vấp phải sự phản đối? Để thực hiện tốt chủ trương bắt buộc đội mũ bảo hiểm trước đây, phải có sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng ở đâu "lỏng tay" là tình trạng không đội mũ bảo hiểm lại diễn ra. Không đội mũ bảo hiểm còn dễ thấy, xử lý, nhưng phát hiện người sử dụng rượu, bia khó khăn hơn nhiều, nhất là trong giờ nghỉ trưa. Thêm vào đó, nếu sử dụng rượu, bia trong giờ nghỉ mà không điều khiển phương tiện giao thông thì Luật Giao thông đường bộ không cấm...

Để quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông thực sự có hiệu quả, thiết nghĩ, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm. Cơ quan chức năng có thể gửi thông báo về đơn vị hoặc nơi cư trú của người sử dụng rượu, bia rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông để giáo dục, nhắc nhở. Cũng có thể xem đây là tiêu chí xem xét khen thưởng, kỷ luật của cơ quan hoặc bình chọn gia đình văn hóa của nơi cư trú. Như vậy, sẽ không cứng nhắc và dễ thực hiện hơn so với việc cấm rồi… không thực hiện được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần sự vào cuộc đồng bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.