(HNM) - Thời gian vừa qua, đã có nhiều sản phẩm không bảo đảm an toàn đang lưu thông trên thị trường được cơ quan quản lý, doanh nghiệp (DN) công bố thu hồi.
Rầm rộ nhất phải kể đến chiến dịch thu hồi trên diện rộng sản phẩm thạch rau câu nhãn hiệu TARO của Công ty New Choice Foods (Bình Dương). Trước thông tin phụ gia tạo đục (DEHP) nhập từ Đài Loan có nguy cơ gây ung thư, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế đã yêu cầu New Choice Foods thu hồi toàn bộ sản phẩm thạch rau câu hương vị khoai môn TARO trên toàn quốc. Tổng cộng có 3.688 thùng sản phẩm còn lại từ 75 đại lý và 307 siêu thị trong toàn quốc đã được thu hồi.
Cán bộ QLTT kiểm tra hàng hóa tại một cửa hàng kinh doanh.
Mới đây, theo thông tin từ Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), một số DN tiếp tục có các thông báo thu hồi sản phẩm không bảo đảm an toàn. Cụ thể, ngày 12-7, Công ty Điện tử Philips Việt Nam có thông báo thu hồi 888 máy sấy tóc kiểu gập hiệu Philips HP 4940 sản xuất từ giữa tháng 2-2006 đến tháng 4-2011 vì sản phẩm này, khi người sử dụng tắt máy nhưng không rút phích cắm điện ở ổ điện vẫn
có thể bị nóng, dẫn đến nguy cơ cháy. Ngày 18-7, Công ty Procter& Gamble (P&G) Việt Nam thông báo sẽ thu hồi các sản phẩm nước súc miệng nhãn hiệu Oral B sản xuất tại Columbia loại chai 350ml và 500ml được nhập khẩu về Việt Nam vì nhiễm vi sinh, có thể gây bất lợi cho người sử dụng có hệ miễn dịch bị suy yếu. "Ồn ào" nhất phải đến sự kiện đầu tháng 6-2011, trước sự tố giác của kỹ sư Lê Văn Tạch, Công ty Toyota Motor Việt Nam đã phải thừa nhận nhiều lỗi trên xe ô tô lắp rắp và ra thông báo kiểm tra, điều chỉnh miễn phí áp suất dầu phanh cho tất cả các xe Innova J được sản xuất từ ngày 24-11-2010 trở về trước. Tổng cộng, có hơn 6.000 chiếc trong diện phải kiểm tra, sửa chữa...
Các vụ thu hồi sản phẩm thiếu an toàn này do chính DN tự phát hiện "lỗi", ra thông báo và thực hiện thu hồi như trường hợp của P&G, Phillips Việt Nam hoặc do cơ quan quản lý phát giác, yêu cầu DN phải thực hiện thu hồi, công bố rộng rãi cho công chúng được biết như trường hợp New Choice Foods. Hay thậm chí, khi có sự vào cuộc của cơ quan chức năng, DN mới thu hồi sản phẩm, khắc phục sự cố. Rõ ràng, điều quan trọng nhất trong kinh doanh, nhất là những mặt hàng liên quan đến thực phẩm, phương tiện vận chuyển phải bảo đảm tính an toàn cao như ô tô, xe máy khi đưa sản phẩm hàng hóa ra thị trường là phải bảo đảm tiêu chí an toàn cho người sử dụng. Tuy nhiên, trên thực tế, việc các DN trong nước tự thừa nhận sản phẩm của mình đang bán trên thị trường bị lỗi, sử dụng phụ gia không bảo đảm an toàn… là rất hiếm gặp. Trong khi đó, phần đông NTD còn thiếu hiểu biết đầy đủ về quyền và cách thức bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Thời gian qua, NTD không tránh khỏi thiệt thòi khi trở thành nạn nhân của những vụ việc, dù ít hay nhiều, có xâm phạm tới quyền lợi NTD. Theo Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam, các vụ vi phạm quyền lợi NTD có xu hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ. Hàng loạt vụ vi phạm nghiêm trọng về quyền và lợi ích NTD được phát hiện như: nước tương nhiễm chất 3-MCPD, gian lận xăng dầu,... Thậm chí, còn có cả trường hợp sản phẩm đang bán trên thị trường đã "hết đát" nhưng vẫn được "tự gia thêm hạn", đánh lừa NTD. Rõ ràng, những hành vi này là vi phạm pháp luật.
Trong bối cảnh NTD Việt Nam còn thiếu hiểu biết về quyền và nghĩa vụ của mình, rất cần các cơ quan chức năng như Cục VSATTP (Bộ Y tế); Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ KH-CN); Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT); Cục Quản lý cạnh tranh, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương)… đứng ra kiểm tra, giám sát, khi phát hiện sai phạm thì xử lý kịp thời. Việc thu hồi sản phẩm thiếu an toàn, không bảo đảm tiêu chuẩn chứng tỏ được trách nhiệm của DN trước NTD cũng như giữ uy tín của DN trước cộng đồng. Tuy nhiên, sau khi công bố, việc thực hiện được tiến hành nghiêm túc đến đâu hay chỉ là "làm vì" thì NTD hoàn toàn không được biết. Điều này, rất cần các cơ quan quản lý vào cuộc kiểm tra, giám sát chặt chẽ, bảo đảm không có trường hợp sản phẩm bị lỗi, thiếu an toàn lưu thông trên thị trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.